Monday, September 14, 2009

Minh triet va Phat trien

Minh triết và Phát triển
Lê Thanh Hải[1]
DRAFT - cho Hội thảo Minh triết tại HN 22.9.2009

Tìm về Minh triết đang là trào lưu trên thế giới và cũng là một hướng đi mới trong nghiên cứu xã hội - nhân văn tại Việt Nam, mà có vẻ trước mắt đang tập trung vào "sưu tầm và tổng kiểm kê" (Hoàng Ngọc Hiến 2009). Từ góc độ sử học và triết học, nhiều người muốn đi sâu vào cốt lõi của hạ tầng tư duy (Francois Jullien 2008), hay muốn lần ngược dòng thời gian về thời Kim Định, Ngô Thời Sĩ, hoặc về cả thời sơ khai như Lạc Việt, Văn Lang (Phạm Tường & Việt Hoàng 2006), mà nhìn chung là lấy minh triết làm trung tâm. Từ góc độ xây dựng chính sách phát triển, có thể nhìn ví dụ đảng mới nắm quyền ở Nhật DPJ đang chủ trương tận dụng thế mạnh của minh triết để làm thành phần cho "quyền lực mềm" nhằm phát triển tư tưởng ngoại giao Đông Á như (Okada 2005). Khi đó chỉ một phần "hữu dụng" của hệ thống minh triết được sử dụng, tức là được đào sâu nghiên cứu và đặt trong mối quan hệ tổng thế của xã hội đương đại. Tương tự vậy, từ góc nhìn của người viết bài này là nhân học phát triển cho Việt Nam, thì không chú ý đến những hệ giá trị minh triết từng hưng thịnh trong quá khứ, mà chỉ cần xét một vài nét minh triết đang duy trì trong xã hội đương đại, trong mối quan hệ đối với quá trình phát triển của Việt Nam.

1.
Trước hết, nhìn từ góc cạnh xã hội, thì minh triết là hệ thống các giá trị đạo đức nguyên thủy nhất mà mỗi người sẽ tự nguyện tuân theo trong cuộc sống, mà theo cách gọi của Ngô Thời Sĩ là "đạo lý đời thường", hay theo mô tả của Hoàng Ngọc Hiến là "sống hẳn hoi", một cách diễn đạt tiếng Việt khái niệm "cuộc sống tốt" của Aristoteles (Hoàng Ngọc Hiến 2009). Cần chú ý là con người này sống trong một cộng đồng, một quần thể xã hội, một khu vực vùng/địa phương nhất định. Tức là mỗi địa phương có thể có một hệ thống minh triết riêng, qui định luật lệ riêng trong cộng đồng dân cư của mình. Có thể có những giá trị minh triết cùng đúng với tất cả hoặc đa số các cộng đồng dân cư trong cùng một quốc gia, nhưng cũng có những giá trị minh triết đúng/là điều tốt (tương đối) với cộng đồng này lại hoàn toàn sai/là điều xấu (tương đối) đối với cộng đồng khác. "Nhập gia tùy tục", "Nước có pháp quốc, nhà có gia qui"... Ca dao tục ngữ tiếng Việt là kho tàng minh triết. Cả những câu nói truyền miệng vỉa hè cũng vậy, vì chúng chuyển tải hệ giá trị sống cho thời hiện tại. Minh triết không chỉ là những gì người ta dạy chính thức ở nhà trường, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ kia, mà còn là cả những gì mà thế hệ trẻ đã nhanh nhạy đúc kết từ những va chạm mới nhất trong cuộc sống thay đổi, và tạo ra qui tắc cho một cuộc sống mới từ phạm vi nhỏ lan tỏa ra.

2.
Như vậy, nếu đã coi minh triết là hệ giá trị cho các mối quan hệ xã hội - cộng đồng thì minh triết cũng chính là mô hình tư duy hay bộ qui tắc luân lý cơ bản nhất để duy trì sự tồn tại, hoạt động và phát triển của một quần thể xã hội. Tức minh triết là nguyên tắc duy trì mối quan hệ cộng đồng, mà giới chuyên gia về phát triển thường gọi là vốn xã hội - social capital[2]. Minh triết là qui tắc cho vốn xã hội.

“Vấn đề không phải là bạn biết những gì, mà là bạn quen những ai”. Câu cách ngôn thường gặp này chính là sự đúc kết những minh triết thông thường về vốn xã hội. Minh triết này phát xuất từ kinh nghiệm - rằng khi trở thành thành viên của một nhóm ngoại lệ cần phải có những mối quan hệ bên trong, thì phần thắng trong những cuộc cạnh tranh về công việc hay hợp đồng thường thuộc về những ai có mối quan hệ quen biết ở những vị trí cao (Woolcock & Narayan, Kỷ yếu World Bank tháng Tám 2000).

Minh triết này cũng được thể hiện trong tiếng Việt qua những cách nói như: COCC (Con ông cháu cha), 5C (Con cháu các cụ cả), "cạ", "êkíp", "ô-dù", "Không thầy đố mày làm nên", "Con vua thì lại làm vua...". Vốn xã hội cũng có thể là đơn vị đo số lượng mối quan hệ cộng đồng trong một quần thể xã hội (Như Ngọc 2001, 2003), giúp xác định mức độ và xây dựng kế hoạch phát triển quần thể xã hội đó. Bản thân minh triết cũng là "vốn" của xã hội để phát triển (Shiksha 1999). Vốn minh triết là điểm chung cho cả cộng đồng, vì nó là cơ sở để mỗi cá nhân thỏa thuận với cộng đồng mỗi khi có tranh chấp về quyền lợi, tạo ra sự tin cậy, tôn trọng và cam kết cùng hợp tác vì mục tiêu chung, cũng chính là xuất phát điểm giúp duy trì phát triển bền vững. Như vậy, minh triết chính là qui luật cho vốn xã hội.

3.
Từ những phân tích trên, có thể thấy nghiên cứu phát triển không chỉ đơn giản là tìm các giá trị minh triết để giúp hiểu và điều chỉnh mối quan hệ trong cộng đồng, lên chính sách làm tăng vốn xã hội. Chính những người nghiên cứu Minh triết Việt đang là những nhà hoạch định chính sách giúp phát triển hoặc tạo ra sức cản phá quá trình phát triển - hiểu theo mối tương quan tương đối - của xã hội Việt Nam. Khi "tìm ra" một giá trị minh triết và đưa vào hệ thống thì nhà nghiên cứu đồng thời đã đánh thức một hệ giá trị đạo đức có khả năng tác động làm thay đổi các mối quan hệ xã hội, có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với quá trình chuyển đổi hiện tại, tức là có thể giúp ngăn ngừa một nguy cơ suy thoái đạo đức nào đó của xã hội hoặc góp phần giúp quá trình suy thoái đạo đức đó tiến nhanh hơn đến mức làm tan rã xã hội. Đây phần nào cũng chính là lý do tại sao minh triết được giới cầm quyền và chính trị gia quan tâm. Hơn ai hết, nhà khoa học nghiên cứu minh triết phải là người ý thức rõ ràng nhất về công việc nghiên cứu của mình, đang làm ra nhà máy điện hạt nhân hay bom nguyên tử cho xã hội. Việc nghiên cứu không chỉ đơn giản là tìm ra các giá trị khoa học mà ngay từ những phác thảo đầu tiên, dự án nghiên cứu đã góp phần tác động làm thay đổi xã hội. Đây cũng chính là nguyên tắc mà một số quĩ phát triển hiện đang sử dụng khi đầu tư vào khu vực chất xám tại một quốc gia, giúp các nước đang phát triển nghiên cứu và tự tạo ra đội ngũ chuyên gia phù hợp cho nước mình: research-based development. Do vậy, mỗi cá nhân và nhóm nghiên cứu minh triết cần phải tuân thủ nguyên tắc chuyên nghiệp, tức là không chỉ người nghiên cứu nghiệp dư phải nghiêm túc làm việc theo các tiêu chuẩn khoa học, mà ngay cả các vị giáo sư tiến sĩ từ ngành khác cũng cần phải trang bị lại hệ thống lý thuyết cơ bản phù hợp trước khi bắt tay vào nghiên cứu minh triết.

4.
Từ góc độ chuyên môn của mình, người viết bài xin giới thiệu sơ lược[3] một vài nguyên tắc lý thuyết từ góc độ tiếp cận của liên ngành phối hợp giữa xã hội học, nhân học và triết học nhận thức tạm gọi là thuộc trường phái Ba Lan. Trước hết người nghiên cứu cần xác định xem mình sẽ tìm hiểu minh triết theo một cách nhìn hệ thống hay xâu chuỗi, toàn phần hay đơn lẻ. Minh triết có thể là các cặp giá trị đối lập như trong mối quan hệ âm dương hoặc là cặp phạm trù mâu thuẫn. Minh triết có thể được cơ cấu tổ chức theo bộ ba, tứ trụ, ngũ hành, bát quái. Minh triết có thể được nhìn như một tập hợp nhiều dị bản khác nhau về không gian và thời gian của một giá trị xuyên suốt hoặc còn có thể coi là thống nhất. Minh triết có thể được biểu diễn trên đường tuyến tính, tiến hóa liên tục theo thời gian, bắt nguồn từ tận thời tiền sử sơ khai. Hoặc ngược lại, minh triết có thể là những đường giá trị đứt gãy, hay là các giá trị mới vừa được tạo dựng ra gần đây. Chúng ta có thể xét minh triết như giá trị, như thực tại khách quan hay hiện tượng tư duy chủ quan, hoặc cũng có thể khảo sát chức năng hay cấu trúc của minh triết trong quá trình phát triển của xã hội. Công việc khảo sát minh triết Việt cũng có thể dựa vào hệ thống các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng minh triết ở Việt Nam và trên thế giới[4].

5.
Minh triết cần được xét trong chiều không gian và thời gian, cùng mối quan hệ xuyên/liên ngành và xuyên/liên văn hóa. Trong phần đặt vấn đề tôi nói chỉ xét đến những minh triết đang duy trì trong xã hội đương đại, tức là không xét đến minh triết thời cổ sử, nhưng có xét đến những dạng thức minh triết được cho là có nguồn gốc từ thời cổ sử đang tiếp tục duy trì trong thời hiện tại. Khi tạo được lát cắt khéo léo trong tập hợp minh triết đương đại, chúng ta có thể nhìn thấy sự du nhập của các luồng minh triết trong lịch sử vào dân tộc Việt, ví dụ như tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác và các trào lưu tư tưởng phương Tây (được minh triết hóa), minh triết bắt nguồn từ Phật giáo, Bà-la-môn, văn hóa Nam Đảo, Ấn Độ và Trung Hoa... Tương tự vậy nếu tìm được góc cắt phù hợp chúng ta cũng nhìn thấy sự du nhập của các luồng minh triết từ các vùng địa lý khác nhau vào Việt Nam, ví dụ như minh triết Triều Tiên qua phim Hàn quốc, minh triết Mỹ qua phim Hollywood, và minh triết Trung Hoa qua phim Hongkong, phim Đài Loan và bây giờ là phim Trung Quốc. Minh triết cần được nhìn từ bên trong ra và bên ngoài vào. Chúng ta cần thử xét minh triết của mình từ mỗi vùng miền khác nhau của đất nước mỗi khi có dịp đi đến một tỉnh thành của Việt Nam, tức là nhìn từ trong nền văn hóa Việt Nam ra. Và chúng ta cần thử xét minh triết Việt từ mỗi trung tâm văn hóa lớn trên thế giới mỗi khi có dịp đi ra nước ngoài, tức là nhìn từ bên ngoài nền văn hóa Việt Nam vào (xuyên/liên văn hóa). Chúng ta nên thử đứng từ minh triết nhìn sang các ngành học khác xem có thể tận dụng được gì từ đó, và bên đó sử dụng được gì từ minh triết. Chúng ta cũng nên thử nghiệm tương tự khi có dịp học sang một ngành học mới (xuyên/liên ngành). Binh pháp Tôn Tử là minh triết Trung Hoa trong ngành quân sự nhưng hiện trên thế giới (xuyên văn hóa) đang được dạy đại trà trong ngành quản trị kinh doanh (xuyên ngành).

Và quan trọng nhất, nghiên cứu minh triết cần được gắn liền với bối cảnh một khu vực/địa phương/cộng đồng nhất định, trong quá trình phát triển của xã hội đó. Minh triết giúp xác định hệ giá trị của xã hội, định vị cơ chế và cấu trúc tổ chức của xã hội, là những tham số đầu vào vô cùng quan trọng cho bất kỳ dự án phát triển nào. Khi nhìn minh triết như một cặp giá trị đối lập hay cặp phạm trù mâu thuẫn, người nghiên cứu đã tự động xét đến không chỉ tầng lớp nắm quyền trong cộng đồng mà cả những người không có quyền lực, thiếu phương tiện kinh tế, kết nối bằng những giá trị minh triết không được coi là chính thống hoặc chính đáng. Họ thường sẽ là những người chịu thiệt hại nặng nhất trong quá trình chuyển đổi/ phát triển do tầng lớp nắm quyền hoạch định, mà nếu hệ giá trị của họ do không được xét đến mà bị chà đạp, bỏ quên thì có thể dẫn đến xung đột bạo lực làm đảo lộn xã hội hoặc phá hỏng kế hoạch phát triển đã định ra. Khi nhìn minh triết như một tập hợp các dị bản chúng ta đã tự động nhận thức ra hệ giá trị địa phương và các mối quan hệ cục bộ, có quyền lợi và hướng phát triển tự nhiên ngược với tầm nhìn và con đường kế hoạch của trung ương. Nghiên cứu về minh triết giúp chuyên gia di chuyển giữa các trung tâm quyền lực, các cực quyền lợi khác nhau, và các tầng khác nhau của xã hội, tạo cơ hội can thiệp ngay khi cần thiết để tránh xung đột leo thang và mở rộng, bảo đảm quá trình phát triển bền vững cho cộng đồng, xã hội và quốc gia. Kết nối minh triết với hệ giá trị vốn xã hội cho phép tất cả những ai có quan tâm đến minh triết có cơ hội đóng góp vào quá trình tích lũy và làm giàu về lượng cho vốn xã hội của đất nước, chờ dịp chuyển mình biến thành chất mới, thay sắc cho quốc gia.


Tham khảo:

Francis Fukuyama 1999, Social Capital and Civil Society, IMF Conference on Second Generation Reforms, bản điện tử ở địa chỉ http://www.imf.org/external/pubs/ft/seminar/1999/reforms/fukuyama.htm

Vimukt Shiksha 1999, Understanding Wisdom, Liberating Education Feb 1999, Issue 2

Ong T. Nhu-Ngoc et al 2001, Social Relations and Social Capital in Vietnam - The 2001 World Values Survey http://www.worldvaluessurvey.org/Upload/104_social_relations_vietnam.pdf

Ong T. Nhu-Ngoc & Russell J. Dalton 2003, Civil Society and Social Capital in Vietnam, in Modernization and Social Change in Vietnam, Munich http://www.worldvaluessurvey.org/Upload/104_social_capital_vitenam.pdf

Michael Woolcock & Deepa Narayan 2000, Social Capital: Implications for Development Theory, Research and Policy, The World Bank Research Observer vol 15 nr 2 (Aug 2000)

Katsuya Okada 2005, Toward Realization of Enlightened National Interest - Living Harmoniosly with Asia and the World, The Democratic Party of Japan, giới thiệu tóm tắt tiếng Việt ở http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/09/090909_dpj_vietnam.shtml

Phạm Tường & Việt Hoàng 2006, Nguồn cội văn hóa Thần minh Đại Việt, NXB Văn Nghệ

Francois Jullien 2008, Bàn về Minh triết, Buổi nói chuyện tại TT Minh triết Việt 8.9.2009, Viet-studies.info 22.10.2008 http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm

Hoàng Ngọc Hiến 2009, Luận bàn về những vấn đề minh triết (Góp phần định nghĩa minh triết), Viet-studies.info 9.9.2009 http://viet-studies.info/HoangNgocHien_MinhTriet.htm, bản tóm tắt ở địa chỉ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/09/090906_hoangngochien.shtml






[1] Tác giả đang là nghiên cứu sinh ngành Triết và Xã hội học tại Viện hàn lâm khoa học Ba Lan, email: thanhai@wp.pl
[2] Vốn xã hội là khái niệm mô tả giá trị mối quan hệ cộng đồng, hiện đang là trung tâm của nhiều chủ thuyết phát triển và xã hội. Một trong số các định nghĩa dễ hiểu về social capital có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên mạng, như hệ thống Infed: http://www.infed.org/biblio/social_capital.htm, hay Wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/Social_capital. Một trong số các định nghĩa về Social Capital được các định chế phát triển trên thế giới sử dụng đặt cơ sở trên hệ thống của Francis Fukuyama trình bày trước IMF ngày 1.10.1999 http://www.imf.org/external/pubs/ft/seminar/1999/reforms/fukuyama.htm. Từ góc độ xã hội học, vốn xã hội cũng là hệ đo lường cơ bản cho các chủ thuyết cộng đồng (communitarianism) như Robert Putnam từng chủ xướng: http://www.bowlingalone.com
[3] Quí vị nào quan tâm tìm hiểu xin mời tìm đọc các sách giáo khoa tương ứng, hoặc đọc thêm một số bài lược dịch từ trang lưu trữ của người viết bài này ở địa chỉ bansacdantocvietnam.blogspot.com
[4] Một trong số các nơi ứng dụng thành công minh triết vào quản lý và phát triển cộng đồng người Việt ở nước ngoài là quĩ An Việt ở London anvietuk.org

2 comments:

Quach Hien said...

"Từ góc độ sử học và triết học, nhiều người muốn đi sâu vào cốt lõi của hạ tầng tư duy (Francois Jullien 2008), hay muốn lần ngược dòng thời gian về thời Kim Định, Ngô Thời Sĩ, ..."...

"Thời Kim Định, Ngô Thời Sĩ" là thời nào ạ? Em không hiểu ý anh định nói là gì? Kim Định và Ngô Thời Sĩ sống ở hai thời khác nhau mà anh?

Anh có định về Hà Nội dự hội thảo Minh Triết?

Contact: said...

Kim Định, Ngô Thời Sĩ,... và vua Hùng. Không phải 2 mà ít nhất 3 thời khác nhau, tùy người ta "muốn lần ngược thời gian" về đến đâu "từ góc độ sử họ". Có sẽ cần sửa câu đầu thành "từ góc độ triết học hay sử học"... nhưng bài đã gửi đi rồi. Chắc em chưa đọc bài của Hoàng Ngọc Hiến mà anh đưa link kèm theo bên dưới. Giới khoa học TQ có câu, hãy đọc những gì Mao viết, và cả những gì Mao đọc nữa, hê hê.

Anh chỉ gửi bài, không về dự hội thảo.