Thursday, September 17, 2009

Vietnam 2008

Paris Conference

Việt Nam 2008: Chuyển dịch trong não trạng xã hội - nhân văn
Lê Thanh Hải, thanhai@wp.pl



Bài viết này là kết quả của một nghiên cứu mang tính khảo sát (exploration) xem liệu 2008 có thể được coi là năm bản lề cho ngành xã hội - nhân văn tại Việt Nam hay không. Bên cạnh các quan sát (participant observation) tập trung dần vào những sự kiện nổi bật là một số phỏng vấn (in-depth interview) và tư liệu từ 20 nhân vật thượng tầng[1]. Phương pháp phân tích dựa trên dữ liệu (grounded theory) được áp dụng để hiểu (understanding) xu hướng chuyển dịch trong não trạng của một góc thượng tầng cơ sở tại Việt Nam.

Các sự kiện nổi bật

Các sự kiện nổi bật trong những hoạt động xã hội nhân văn tại Việt Nam của năm 2008 được chọn ra không phải từ sự nổi tiếng trên báo chí hay nhận định chính thức trong ngành hoặc chủ quan của người khảo sát, mà là một đánh giá liên chủ quan (inter-subjective) qua những câu chuyện trao đổi giữa người khảo sát và giới quan tâm, tức là những sự kiện được họ chú ý và đánh giá là quan trọng nhất. Theo đó, hội thảo đánh giá lại về triều Nguyễn được tổ chức ở Thanh Hóa trong các ngày 18-20.X.2008 có thể được coi là tín hiệu đổi mới trong ngành sử - hệ tư tưởng chủ đạo cho ngành xã hội nhân văn. Giáo sư Đinh Xuân Lâm và Phan Huy Lê là hai trong bốn cây đại thụ của ngành sử học Việt Nam (tứ trụ: Lâm-Lê-Tấn-Vượng) đã tuyên bố công nhận công trạng của triều Nguyễn và thú nhận đã nói sai sự thật trong suốt 20 năm qua (đặc biệt trong bài trên báo Sài Gòn Tiếp Thị 20.X.2008).

Trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều cuộc hội thảo trong ngành xã hội - nhân văn được tổ chức ở các tỉnh nhưng sự kiện thuộc loại tập trung nhiều tri thức nhất chính là hội thảo quốc tế lần ba về Việt Nam học, được tổ chức ở hội trường Mỹ Đình, Hà Nội 4-7.XII.2008, với trên 578 bài viết được in trong Kỷ yếu là một đĩa CD. Sự kiện này được tổ chức thành công trong bối cảnh sau hội thảo lần 1 ở Hà Nội vào năm 1998 và lần 2 ở tp.HCM vào năm 2004 thì có những ý kiến cho rằng sẽ không ai tổ chức tiếp lần 3. Từ góc cạnh khác, một số ấn phẩm muốn xác định là đang có một ngành học rất mạnh nghiên cứu về mọi lãnh vực của xã hội Việt Nam, đã định hình và phát triển từ 20 năm qua. Với số lượng trên 70 khoa Việt Nam học và khoảng 300 môn học có tên là Việt Nam học, ảnh hưởng của ngành này đối với tư duy của sinh viên và thế hệ trẻ trong xã hội là đặc biệt đáng quan tâm.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam có bộ sách trong ngành khoa học xã hội và nhân văn mà chủ quan tôi đánh giá thực sự là sách khoa học đủ tiêu chuẩn, mặc dù lượng tri thức được lưu trữ bên trong còn chưa cao. Nâng cấp và đặt chuẩn khoa học cho ngành xã hội và nhân văn của Việt Nam cũng chính là mục tiêu mà quĩ Yenching Harvard đã đặt ra khi tài trợ cho việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản quyển sách do Lê Hồng Lý chủ biên, Nguyễn Thị Hiền xây dựng hệ thống: Sự biến đổi của Tôn giáo Tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, NXB Thế Giới 2008[2].

Do thời gian dành cho khảo sát này có hạn, tôi không đặt ra mục tiêu mô tả toàn cảnh hay diễn giải liên kết, mà chỉ tập trung vào các vấn đề mà mình quan tâm chủ quan nhất là lý thuyết khu vực học, khái niệm liên ngành, và biểu hiện đáng chú ý từ phía lãnh đạo quốc gia, trong bối cảnh ba sự kiện nổi bật vừa liệt kê là các tuyên bố mang tính đổi mới về sử học, sự tập trung về các công trình nghiên cứu, và một bước nâng cấp chất lượng sách khoa học xã hội nhân văn.

Các vấn đề của Khu vực học

"Khu vực học" đang là hệ thống lý thuyết được khuyến khích sử dụng ở Viện Viện Nam học và Phát triển (viện trưởng Nguyễn Quang Ngọc, GSTS sử học), và hệ thống trường chịu ảnh hưởng của Đại học quốc gia Hà Nội (hiệu phó Vũ Minh Giang, GS TSKH sử học). Trường phái này ảnh hưởng mạnh từ Nhật thông qua Đại học Tokyo (hiệu phó Furuta Motoo, GS TS Việt Nam học, chủ tịch hội hữu nghị Việt - Nhật, GS Yumio Sakurai, chủ tịch hội nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản, giải thưởng VN học 2008). Nhưng ngoài từ khóa Area Studies hiện vẫn đang còn chưa thống nhất về dịch thuật ("khu vực học" được đặt trong ngoặc kép trong bài của Furuta Motoo, Nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam học được dịch là Vietnamese Studies trong kỷ yếu và tên gọi của hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 tại Hà Nội), hầu như không có nền móng gì về lý thuyết ngoài một vài tổng hợp sơ sài (xem thêm Trần Lê Bảo 2008, chương 1 và 2). Thực ra ngay chính khu vực học đã là một vấn đề rắc rối chưa được giải quyết cơ bản về mặt lý thuyết.

Bắt đầu từ nhu cầu của Hoa Kỳ và đặc biệt là cơ quan OSS (tiền thân của CIA) trong Đại chiến thế giới lần 2, các nghiên cứu từ nhiều ngành khác nhau được khoanh vùng địa lý chính trị hoặc xã hội văn hóa, xoay quanh trào lưu viết sử khu vực của đại học Cambridge ở Anh (đọc thêm Szanton 2003, Kuijper 2008), nghiên cứu các khu vực khác nơi mình đang sống. Sau này các nước như Nhật Bản vận dụng chuyển thành hệ thống lý thuyết nghiên cứu chính bản thân mình (giới thiệu của Furuta Motoo 2008). Quá trình phát triển và lan rộng của khu vực học phần nhiều nhờ sự giúp sức của Ford Foundation và các quĩ học bổng của Hoa Kỳ, cũng đặt ra một câu hỏi là liệu sự rút chân của Ford Foundation ra khỏi Việt Nam (cũng là nhà tài trợ của hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 tại Hà Nội) có ảnh hưởng gì đến sự tồn tại của trường phái lý thuyết này ở Hà Nội hay không.

Về mặt lý thuyết, khi vận dụng tại Việt Nam hệ thống này cần phải kết hợp được giữa hai xu hướng đương đại: nghiên cứu bên ngoài như ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây, và nghiên cứu chính mình như đã vận dụng ở Nhật. Đó là chưa kế đến chuyện Việt Nam học ở phương Tây thường nằm trong một ngành "khu vực học" rộng hơn như nghiên cứu châu Á, Đông Á, Thái Bình Dương, Đông Nam Á... và Việt Nam học hiện nay ở Việt Nam còn được hiểu là dạy tiếng Việt và lịch sử, văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài. Khi tiếp nhận một hệ thống lý thuyết, mỗi quốc gia thường gặp rất nhiều vấn đề về diễn dịch (không đơn giản là dịch thuật) giữa hai nền văn hóa, vì có những khái niệm được hiểu hoàn toàn khác, hoặc có những hiện tượng quan trọng của địa phương lại không được các học giả phương Tây chú ý trong hệ thống lý thuyết của họ. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phải giải quyết rất nhiều vấn đề phát sinh khi xây dựng hệ thống nghiên cứu cho mình (xem thêm bộ sách của Yoshio Sugimoto và Ross E. Mouer 1989, đặc biệt chương 10 của Harumi Befu). Một vấn đề nữa cũng không kém quan trọng là hiện nay đa số nền tảng hệ thống của các nghiên cứu "khu vực học" là theo lối đa ngành, hoặc xuyên ngành, mà để đạt đến liên ngành ngay cả ở các nước phương Tây người ta vẫn đang cần phải xây dựng thêm rất nhiều, đòi hỏi phải góp sức từ các ngành triết học khoa học rất khó về hệ thống như cybernetic và complexity (Kuijper 2008).

Thói quen hiện nay ở Việt Nam đối với các công trình nghiên cứu Việt Nam là cứ "sử dụng" kết quả, không ngó ngàng gì đến phương pháp lý thuyết, một điều khá nguy hiểm trong thời sau hậu hiện đại, khi vị trí Tôi của người nghiên cứu được coi là vô cùng quan trọng và liên kết chặt với kết quả và trình bày. Chuyện sử dụng bừa bãi như vậy kéo theo nguy cơ có hại cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, tiếp tục què cụt và hậu thuộc địa. Nhưng hình như chuyện này chưa được mấy ai quan tâm đến.

Đa, xuyên, hay liên ngành?

Khẩu hiệu của ngành Việt Nam học luôn là "định hướng liên ngành" (báo cáo của Nguyễn Quang Ngọc 2008 và tên bộ sách do Viện VN học và Phát triển biên soạn 2008b) nhưng có lẽ suốt 20 năm qua "định hướng" vẫn nhiều hơn là "liên ngành". Ngay chính người tổ chức biên soạn kỷ yếu cho hội thảo Việt Nam học 2008 cũng nhận là vẫn sắp xếp bài theo hệ thống truyền thống, tức vẫn là sử, cổ sử, văn hóa, kinh tế v.v. Bản thân chính ngay tiểu ban chuyên về hệ thống lý thuyết (TB15) cũng không có bài viết nào mang tính tổng hợp lý thuyết cho toàn bộ hội thảo hay ít nhất là hướng ngành. Yếu kém về lý thuyết như mô tả ở phần trên (mà Trần Quốc Vượng cũng từng nhận trong phỏng vấn trên Đại Đoàn Kết 23.11.2004, hoặc Đỗ Lai Thúy viết về Hà Văn Tấn trên Văn Hóa Nghệ Thuật 1.2006) là một phần lý do khiến chủ trương liên ngành hầu như chưa được thực hiện, nhưng một lý do khác không kém phần quan trọng là não trạng "văn hóa từ chương" trong giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay. Nhiều giảng viên đại học hoảng hốt khi được đề nghị chỉ dạy cho sinh viên hệ thống lý thuyết, để các em tự đi thực địa nghiên cứu và tìm ra các kết luận về văn hóa địa phương, một bài tập đơn giản cho sinh viên năm thứ nhất đại học ở bên này hoặc thậm chí học sinh phổ thông cuối cấp khi học các môn xã hội nhân văn. Vị tiến sĩ nọ vẫn nghĩ rằng mình phải nghiên cứu từ đầu đến đuôi rồi mới "dạy" cho các em sinh viên biết, giống như dạy cho học sinh cấp một hoặc mẫu giáo. Hình thức "đọc và chép" (kể cả từng dấu chấm phẩy, như thỉnh thoảng lại có một bài báo chỉ trích) vẫn còn khá phổ biến ở nhiều trường đại học. Một giảng viên khác thích "sáng kiến" cho sinh viên tự tư duy, nhưng ngay lập tức bi quan vì nhìn quanh không thấy có sinh viên nào đủ chịu chơi học kiểu đó. Chưa nói đến chuyện sinh viên cao học hay nghiên cứu sinh tiến sĩ nghiên cứu lý thuyết, vì "chỉ cần nếu nói trái thầy X thì đã còn lâu mới mong bảo vệ được luận văn". Cách hay nhất có lẽ là cứ lắp ghép và trình bày theo kiểu đa ngành rồi ngồi chờ hội đồng chấm thi sẽ chấp nhận đây là liên ngành để mà lãnh bằng cấp (thực ra đây cũng là các vấn đề của khoa học các nước trước khi định hình rõ cấu trúc liên ngành, như Hoa Kỳ trong thập niên 1980, đọc thêm Klein 1990).

Tuy nhiên, trong bối cảnh chật chội khó khăn như vậy, cũng có những đột phá như công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của TSKH Trần Ngọc Thêm (khi đó được GS Phạm Đức Dương đồng ý viết lời tựa) sử dụng lý thuyết ngữ nghĩa và phân loại của ngôn ngữ học vào xây dựng mô hình lý thuyết văn hóa, chỉ có điều là hệ thống này còn quá yếu nếu so sánh với Văn hóa học của Stuart Hall (ngành học thuộc nhóm ảnh hưởng và ứng dụng mạnh nhất hiện nay tại Anh, được xây dựng từ thập niên 1970s). Hi vọng là với vai trò chủ nhiệm khoa Văn hóa học vừa được thành lập ở tp.HCM vào cuối năm 2008, GS Thêm sẽ có điều kiện để nâng tầm hệ thống lý thuyết của mình. Việc ứng dụng lý thuyết ngôn ngữ vào văn hóa khá phổ biến tại Việt Nam, một phần có thể do giảng viên khoa ngôn ngữ có điều kiện học ở nước ngoài, sử dụng vốn kiến thức sẵn có để bước sang ngành mới, và đem trở về nước ứng dụng. Một trong số những công trình được đánh giá cao có nhiều chuyên gia ngôn ngữ tham gia là tập sách về "Sự biến đổi của Tôn giáoTín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay" (Lê Hồng Lý chủ biên 2008), do chương trình Harvard Yenching tài trợ. Sử-Địa cũng là sự kết hợp xuyên ngành lâu đời ở Việt Nam. Tuy nhiên, trào lưu đương đại về kết hợp hay đúng hơn là ảnh hưởng áp đảo của nhân học vào sử học - vốn lao đao sau tuyên bố "Lịch sử kết thúc" của Fukuyama - hầu như còn rất xa lạ với ngay cả giới sử gia ở Việt Nam. Đó là chưa kể các giới hạn về ngoại ngữ, thời gian (vì phải lo chạy sô dạy để kiếm sống, hay kiêm nhiệm việc hành chính) và tiền bạc (mua sách nước ngoài) khiến cho giới chuyên gia đầu ngành hầu như không tiếp cận với các hệ thống lý thuyết dòng chính và đương đại trên thế giới hay trong vùng (có thể đọc thêm hướng dẫn giáo khoa của Lattuca 2001 về phương pháp xây dựng ngành học liên ngành).

Nhìn rộng ra thì vấn đề thiếu liên ngành thực sự không chỉ là đặc thù riêng của Việt Nam học ở Việt Nam. Một số trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài vẫn dùng hình thức đa ngành hoặc một số tiếp cận theo hướng liên ngành hơn là một ngành học liên ngành (các dạng thức khác nhau được mô tả bằng các từ chuyên ngành như là pseudo-, auxiliary-, composite-, linear-, supplementary-, unifying-, method-, concept-, border-, problem-, restrictive-, structural-, và hibrid- disciplinary, đọc thêm Klein 1990). Hệ thống lý thuyết tại Viện Việt Học ở California của GS Trần Ngọc Ninh (viện trưởng từ 2003-2008, viethoc.org) chủ yếu là giao thoa (trans-disciplinary) Văn-Sử, còn ngành tạm gọi là quốc học (Vietnamologica ở Canada, An Việt ở Anh anvietuk.org, Định Hướng ở Pháp của GS Nguyễn Đăng Trúc) thì tiếp nối sự kết hợp Văn-Triết, vốn là hai trào lưu quen thuộc trong khoa học xã hội và nhân văn ở miền Nam trước 1975. Hiện nay còn có thêm một hướng mới của GS Trần Hữu Dũng (viet-studies.info) và nhóm hội thảo hè cũng trên con đường "định hướng liên ngành" theo từng chủ đề quan tâm của mỗi năm, mà trong biến chuyển về tư duy bắt đầu có dấu hiệu "nhìn lại" (retrospective - tiêu đề của hội thảo năm nay) cho phép phán đoán về một bước bắt đầu định hình tư duy lý thuyết, nhưng chưa thực sự tìm hiểu sâu về lý thuyết trong ngành xã hội - nhân văn.

Não trạng lãnh đạo

Trong bối cảnh đảng cộng sản Việt Nam chuẩn bị tổ chức hội nghị trung ương, năm 2008 cũng là thời điểm thích hợp để đánh giá và ghi nhận các phát triển đáng kể về mặt tư duy lãnh đạo. Sau chính sách văn hóa hậu đổi mới được trưởng ban văn hóa tư tưởng mà sau này cũng là bộ trưởng bộ văn hóa thông tin Nguyễn Khoa Điềm (2001) đưa ra, nhiều nét văn hóa truyền thống được hồi sinh hoặc được dùng để xây dựng các biểu tượng văn hóa mới (Malarney 2002). Các hoạt động tín ngưỡng dân gian lén lút nhưng sức sống rất mạnh nay được hợp pháp hóa sự tồn tại, và không ít những điều từng được coi là mê tín dị đoan phản khoa học nay được khuyến khích phục hồi trở lại. Đảng viên cộng sản vốn vô thần nay cũng cầu hồn tìm xác, xin sớ đền Trần, vay tiền bà chúa Kho và đặt bàn thờ thánh thần ngay trong cơ quan nhà nước. Các đánh giá về văn hóa của Unesco, các mục tiêu khác nhau trong khuyến khích văn hóa của các đại sứ quán và quĩ phát triển nước ngoài cùng với những ảnh hưởng từ làn sóng toàn cầu hóa và hội nhập như sự kiện Việt Nam làm thành viên WTO và Hội đồng bản an Liên hiệp quốc (Đỗ Hoài Nam 2008) cũng góp phần làm mặt bằng tư tưởng thêm đa dạng, khiến nhu cầu về "hiểu" môi trường xung quanh và "hiểu" chính bản thân ngày càng cao.

"Việt Nam phải tự hiểu mình. Cái đó là cần. Nhưng mà mình cũng cần phải lắng nghe ý kiến của người khác. Cá nhân tôi mà nói, không bao giờ mình tự đánh giá mình đúng được. Mình đánh giá mình dễ thành chủ quan lắm. Chính mình hiểu mình nhưng mình cũng dễ chủ quan lắm đó. Nhưng mình nhờ đồng chí, anh em góp ý thêm thì nó sẽ sáng lên. Cho nên tôi rất tâm đắc là các bạn hãy nghiên cứu và góp ý kiến với chúng tôi. Góp ý kiến một cách chân thành và thẳng thắn. Đừng vì yêu Việt Nam mà có những cái mình muốn nói nhưng rồi thôi cũng không nói. Tôi tin rằng chuyên đó có xảy ra. Các bạn hãy thẳng thắn với Việt Nam để Việt Nam nhìn thấy những cái yếu của mình." (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trích phần trao đổi với các chuyên gia Việt Nam học từ nước ngoài 5.12.2009)

Bên cạnh việc lắng nghe góp ý của người khác, tức là tiếp nhận kết quả từ quá trình tư duy và phân tích của họ, thì bản thân mỗi người còn có thể được chuyển giao phương pháp "hiểu" mình để tự cho ra kết quả chính xác và toàn diện nhất về bản thân. Nhưng như đã trình bày trong hai phần trước, khả năng tiếp nhận lý thuyết của giới khoa học Việt Nam còn rất yếu. Ngoài ra, quá trình xây dựng lý thuyết cũng thiếu rất nhiều nguyên liệu để thử nghiệm, là những hệ giá trị lý luận mà Việt Nam chưa chấp nhận, chưa hiểu, hoặc không hề có sẵn hệ thống khái niệm tương đương hay gần gũi dể diễn dịch. Tuy vậy, ít nhiều giới khoa học hàng đầu bắt đầu cảm nhận rằng cần phải "cởi bỏ trói buộc" nếu không muốn "đứng ngoài dòng chảy của thời đại" (Phạm Quang Minh 2008), phải đặt câu hỏi về lăng kính nhìn nhận thế giới, đặc biệt là sau tuyên ngôn mang tính cách mạng của Fukuyama về "sự cáo chung của lịch sử". Lăng kính đó không nhất thiết phải đồng chất, mà trong điều kiện khoa học sau hậu hiện đại, nó có thể là một cấu trúc với đủ những góc nhìn vùng pha lẫn giữa không gian và thời gian (Vincent Houben 2008), giới tính (Haris & Nguyễn Khánh Linh 2008), vĩ mô hay vi mô, vùng hay khu vực, trung ương hay địa phương...

Nhận định gợi mở

Phân tích các diễn biến về tư duy xã hội - nhân văn ở Việt Nam trong năm 2008 giúp đưa ra một số sự kiện hay chính xác hơn là quá trình biện chứng theo cách hiểu discourse của Hall (1984). Khảo sát sơ bộ những dữ kiện thu thập được từ những điểm đáng chú ý đó (bài viết, phỏng vấn, dữ liệu nguồn và liên đới) cho thấy một số vấn đề đáng chú ý, là tư duy cởi mở và tích cực hội nhập của giới lãnh đạo Việt Nam (decision-makers), nhưng khả năng và trình độ của tầng lớp chuyên gia giúp hoạch định chính sách và giáo dục xã hội (stakeholders) lại vốn rất yếu về lý thuyết và khả năng tiếp nhận các thay đổi về học thuật đang tăng tốc trên thế giới. Đây chính là khu vực mà các chuyên gia Việt Nam đang sống ở nước ngoài có thể là nhóm duy nhất có thể giúp đỡ cho nền khoa học xã hội - nhân văn tại Việt Nam, thông qua nghiên cứu lý thuyết nguồn và diễn dịch, bản địa hóa cho các hệ thống lý thuyết lớn đương đại.

Tham khảo:

Befu, Harumi 1989, The Emic-Etic Distinction and Its Significance for Japanese Studies, chapter 10 in Yoshio Sugimoto & ROss E. Mouer ed., Constructs for Understanding Japan, Kegan Paul International, London & New York, p.323-343

Bowen, John 2003, The Development of Southeast Asia Studies in the United States, UCIAS Edited Volume 3, The Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, GAIA, University of California Press 2003 art. 10 online version at http://repositories.cdlib.org/cgi/viewcontent.cgi?article=1031&context=uciaspubs/editedvolumes

de Sausure, Ferdinand 1973, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

Đỗ Hoài Nam 2008, Diễn văn khai mạc hội thảo Việt Nam học, Hà Nội 4-7.12.2008

Fukuyama, Francis 1992, The End of History and the Last Man, Free Press

Fututa Motoo 2008, Một vài suy nghĩ về "Khu vực học", VNH3.TB15.780

Hall, Stuart 1984 (1980), Culture, media, language, Hutchinson&Co Publisher

Harris, Jack Dash & Nguyễn Khánh Linh 2008, Vietnamese Masculinity and Gender Relations, 4-7.12.2008

Houben. Vincent 2008, Vietnam in the context of Southeast Asia. Conjunctures and Comparisons, 4-7.12.2008

Klein, Julie Thompson 1990, Interdisciplinarity: History, Theory & Practice, Wayne State University Press

Kuijper, Hans 2008, Area Studies versus Disciplines: Towards an Interdisciplinary, systemic country approach, in The International Journal of Interdisciplinary Social Sciences, vol.3 Issue 7 p.205-216, electronic version at http://www.asvj91.dsl.pipex.com/Hans_KUIJPER/AREA_STUDIES_Vs_DISCIPLINES_Hans_KUIJPER.pdf

Kurczewska, Joanna 2006, [Working ideology of locality. Old and new schemes] Robocze ideologie lokalnosci. Stare i nowe schematy, in Kurczewska ed. 2006, Obilcza Lokalnosci - Tradycja i wspolczesnosc, IFiS PAN

Labov, William 1972, Socio-linguistic Patterns, University of Pennsylvania Press

Lattuca, Lisa R. 2001, Creating Interdisciplinarity: Interdisciplinary Research and Teaching among College and University Faculty, Vanderbilt University Press

Malarney, Shaun Kingsley 2002, Culture, Ritual and Revolution in Vietnam,

Neustupný , J.V. 1989, The Role of Typologies in Understanding Japanese Culture and Society: From Linguistics to Social Science, chapter 11 in Yoshio Sugimoto & ROss E. Mouer ed., Constructs for Understanding Japan, Kegan Paul International, London & New York, p.344-380

Nguyễn Khoa Điềm 2001, Xây dựng và Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Quang Ngọc 2008, Việt Nam học ở Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, VNH3.TB15.598

Nguyễn Quang Ngọc chủ biên 2008b 20 năm Việt Nam học theo định hướng liên ngành, NXB Thế Giới

Nguyễn Thị Hiền 2008, Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đương đại, trong Lê Hồng Lý chủ biên 2008, Sự biến đổi của Tôn giáo Tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, NXB Thế Giới

Phạm Quang Minh 2008, Việt Nam nhìn thế giới như thế nào, Hà Nội 4-7.12.2008

Szaton, David L. 2003, The Origin, Nature, and Challenges of Area Studies in the United States, in UCIAS Edited Volume 3, The Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, GAIA, University of California Press 2003 art. 1 online version at http://repositories.cdlib.org/cgi/viewcontent.cgi?article=1058&context=uciaspubs/editedvolumes

Trần Lê Bảo 2008, Khu vực học và Nhập môn Việt Nam học, NXB Giáo dục, 160 trang

Trần Ngọc Thêm 2001 (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB tp.HCM

Trần Ngọc Thêm 2008 Tính cộng đồng của người Việt và những vấn đề của nó trong thời kỳ hội nhập và phát triển, VNH3.TB2 (abstract only)

Vũ Minh Giang 2008, Nghiên cứu Việt Nam từ tiếp cận văn hóa tộc người và quốc gia - dân tộc, VNH3.TB15.779

Vũ Minh Giang 2008b, Việt Nam học trên đường hội nhập và phát triển, Hà Nội 4-7.12.2008
[1] Xuất phát điểm về mặt lý thuyết xã hội học của khảo sát này là coi xã hội là một project mà quá trình biến đổi xã hội thực ra là việc thực hiện một dự án, mà các nhân vật thượng tầng giữ vai trò xây dựng thiết kế và lên kế hoạch dẫn dắt, còn ở phía bên kia là những người tham gia một cách tài tử hoặc thụ động. Khi đó chuyển dịch não trạng của xã hội có thể được tái hiện lại qua khảo sát các sự kiện nổi bật và nhận định của các thành viên trong đó (Kurczewska 2006).
[2] Thông tin thêm về chương trình của Harvard Yenching ở Việt Nam và chính sách chung của quĩ có thể truy cập qua trang mạng: http://www.harvard-yenching.org/publications-and-projects/vietnamese-publication-series/

No comments: