Thursday, January 29, 2009

Nhân sinh quan cá nhân trong nghiên cứu bản sắc dân tộc

Nhân sinh quan cá nhân trong nghiên cứu bản sắc dân tộc
Joanna Kurczewska
[1], Lê Hải dịch và chú thích

Không thể không chú ý thấy rằng trong thập niên 1990, khái niệm dân tộc (nation) và lòng yêu nước (patriotism) trở thành đối tượng lựa chọn của nhiều nhân sinh quan (perspective) cùng một lúc: bắt đầu từ chọn lựa trong khu vực tư duy lý thuyết và ngôn ngữ, cho đến lựa chọn trong khu vực động cơ chính trị. Trong các giải nghĩa khoa học về dân tộc gia tăng các xu hướng phân tích sử dụng lối phân loại bản sắc cá nhân và bản sắc nhóm, cùng với lối phân loại về lựa chọn hệ tư tưởng thay cho các cách phân chia theo kiểu vĩ mô về xã hội hay tập thể (collective category).

Cuộc cách mạng về khái niệm và lý thuyết ứng dụng cho ngành nghiên cứu dân tộc có vẻ hầu như bị lu mờ bên cạnh sự xuất hiện "nhiều quá mức" của các nhóm dân tộc trong thực tế xã hội, thể hiện ra bằng làn sóng ngày càng gia tăng các xung đột trên nền sắc tộc. Cuộc cách mạng lý thuyết do các nhà triết học, nhân học, xã hội học và sử gia thực hiện trước tiên, từ bỏ khuôn mẫu tân tích cực chủ nghĩa (neo-positivism) về con người và xã hội. Đóng góp nhiều nhất cho xu hướng này là các nhà nghiên cứu tìm lối thoát từ các phân chia sắc cạnh giữa các ngành khoa học và tìm cách lập ra các nghiên cứu liên ngành về con người và xã hội. Xu hướng này thể hiện rõ trong nội dung và phong cách lý thuyết và thực nghiệm của các phân tích về các hiện tượng dân tộc, mà lý thuyết gia nhiều ngành nhân văn từ lâu đã nghiên cứu.

Thay đổi trong tư duy lý thuyết đòi hỏi thu nhận các nhân sinh quan mới trong phương pháp nhận biết và nghiên cứu. Giờ đây cá nhân trở thành trung tâm của sự chú ý. Nhân sinh quan xã hội vĩ mô (macro) hay hệ thống, đi kèm với nhiều loại "lý thuyết tầm trung" khác nhau, hay "đại lý thuyết" bị thay thế bằng nhân sinh quan xã hội vi mô (micro) và cá nhân, vốn bị coi là đặc điểm của các hệ tư tưởng nhân văn phản khoa học.

Gần đây dân tộc được xét đến chủ yếu như là kết cấu (construct) của tư tưởng và tình cảm cùng lúc, tạo ra thể liên kết của nhận thức cá nhân, thay thế cho quan điểm coi dân tộc là một trong số các nhóm tự nhiên quan trọng nhất trong quá trình tiến hóa khách quan của xã hội. Lối phân loại này không còn là đơn vị cho lý thuyết chuyển đổi xã hội, đặc biệt là thuyết tiến hóa; dân tộc không còn nằm trong các thành phần lý thuyết của ngành động học xã hội, là nhóm nằm giữa gia đình và nhân loại, nhóm được mô tả bằng nhiều tính chất khách quan, mà trở thành"những tổng hợp ý nghĩa từ trải nghiệm", "kết cấu tri thức", "thanh ghi kinh nghiệm cá nhân về các giá trị chung với những người khác". Nói một cách khác, dân tộc không còn là một phần của lịch sử tự nhiên mà trở thành một phần của văn hóa, ngày càng được tiếp cận nhiều hơn qua các góc nhìn hậu hiện đại.

Mối quan tâm cùng lúc của nhà xã hội học đối với hai vấn đề cá nhân và dân tộc từ nhiều phương diện khác nhau khiến học chú ý tới kết cấu bản sắc xã hội, cũng như vai trò của xúc cảm trong mối liên kết giữa cá nhân với nhóm dân tộc. Nhờ có tâm lý học nhận thức, đặc biệt là lý thuyết về định kiến (stereotype) mà có thể chiếu sáng từ góc độ khác vào vấn đề rất cổ điển trong ngành xã hội học là thái độ ghét bỏ người bên ngoài (antagonism), hay khuôn mẫu người cho nhóm sắc tộc của mình và những nhóm khác.

Sự gia tăng mối quan tâm của ngành xã hội học vào cá nhân, đã ảnh hưởng tới các nghiên cứu hiện tượng dân tộc) có liên quan nhiều tới "phát hiện" của các nhà nhân học về vấn đề bản sắc và biến văn hóa thành một trong số các phân loại cơ bản nhất để mô tả hiện thực tự nhiên của xã hội hiện đại.

Ngành xã hội học mới và nhân học mới tiếp nhận từ triết học hậu hiện đại khái niệm về (tạm dịch là) công trình xây dựng (hoặc dự án - project) sau thời hiện đại. Đặc tính cơ bản nhất của dự án đó là đa nguyên về thực tế văn hóa, mà trong đó vai trò cơ bản là các nhóm mang đặc tính văn hóa dân tộc riêng biệt. Trung tâm của sự chú ý là quan điểm cho rằng các dạng thức mới nhất của các nhóm dân tộc có thể mô tả thông qua số nhiều về văn hóa, truyền thống, và "thế giới trải nghiệm".

Cá nhân thuộc dân tộc - nhìn từ góc độ văn hóa - không suy nghĩ và không cư xử theo đúng một văn hóa riêng biệt nào cả. Ngược lại, cá nhân đó thể hiện bản thân như một liên kết (idiom) văn hóa: bản thân là người tạo ra mạng lưới nhiều ý nghĩa, rồi hòa trộn vào khối "cộng đồng tưởng tượng"
[2] và thực tế.

Sự gia tăng mức độ phổ biến của các phân tích ở tầng xã hội vi mô về các nhóm dân tộc đồng thời cũng là hệ quả của quá trình phá vỡ giá trị của các mô hình Mác-xít khác nhau về dân tộc và các quá trình xây dựng dân tộc. Vị trí của lý thuyết động học dân tộc, được lập ra cho cả hệ tư tưởng tiến hóa lẫn Mác-xít mô hình phát triển của các cấu trúc lớn của xã hội, bị mất về tay lý thuyết dân tộc và chủ nghĩa dân tộc (nationalism) cùng lúc hoạt động trên nhiều tầng khác nhau của quần thể xã hội. Vấn đề dân tộc trở nên không chỉ hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu từ khu vực văn minh - văn hóa châu Âu hay thế giới. Nó gần như trở thành đề tài "bắt buộc" cho tất cả những ai muốn giải thích các cơ chế và cấu trúc cơ bản nhất của hiện đại.


[1] Trích dịch từ bản gốc tiếng Ba Lan của Joanna Kurczewska, 1999 Naród [Khái niệm dân tộc], trong Encyklopedia Socjologii [Bách khoa toàn thư xã hội học], Ofycyna Naukowa xuất bản, Warszawa
[2] ND - imagined commutity, là khái niệm được Benedict Anderson đưa ra từ 1983, cho rằng dân tộc không phải là thể 'tự nhiên' mà là một hiện tượng 'văn hóa'. Lập luận của ông có đề cập đến lịch sử Việt Nam thời thuộc Pháp, xem thêm ở đây: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/03/050322_anderson_nationalism.shtml