Sunday, November 16, 2008

Mười điều cần biết về nhân học xã hội

Mười điều cần biết về nhân học xã hội
Alan Barnard, Lê Hải lược dịch và chú thích
[1]

Lời nói đầu
[2]: Nhân học xã hội (social anthropology) là đề tài rất khó trình bày, vì ba lý do. Thứ nhất, khó có thể nói đó là môn học về cái gì; thứ hai, không rõ là bạn phải làm gì để nghiên cứu; và thứ ba, hình như không ai biết cách giải thích sự khác nhau giữa học môn nhân học và thực hành nó. [...]

Dẫn nhập: Trên thế giới mỗi năm có hàng ngàn sinh viên theo học ngành nhân học xã hội, một ngành đang ngày càng mở rộng. Một số sinh viên sẽ tiếp tục theo đuổi để trở thành những nhà nhân học chuyên nghiệp. Một số khác sẽ làm việc trong các lãnh vực có liên quan: bảo tàng, khảo cổ, quan hệ cộng đồng, ngoại giao, hành chính công, báo chí và phát triển Thế giới thứ ba. Một số khác nữa sẽ dùng kỹ năng và kiến thức trong nghề giáo viên bậc phổ thông. [...]

1. Nghiên cứu nhân học xã hội
Nhân học xã hội là ngành học về cuộc sống xã hội của loài người. Sinh viên học môn này vì nhiều lý do khác nhau, nhưng đa số là vì muốn tìm hiểu những trải nghiệm rất khác nhau và đa dạng của con người. Kiến thức về sự giống nhau và khác biệt giữa các xã hội sẽ giúp sinh viên hiểu hơn về xã hội nói chung. Nhân học xã hội có thể bổ sung cho nhiều bộ môn khác, và cũng có thể ứng dụng trong nhiều ngành nghề. [...]

2. Dân tộc ký: viết về dân chúng
Dân tộc ký (ethnography) có nghĩa là viết về dân chúng. Đối tượng của dân tộc ký là thâm nhập vào bên trong một nền văn hóa khác, và mục tiêu là so sánh kết quả với những nghiên cứu dân tộc ký đối với các nền văn hóa khác. Xuất phát của ngành dân tộc ký bắt đầu từ thế kỷ 19, và sinh viên ngành nhân học vẫn tiếp tục học các kỹ năng dân tộc ký cổ điển, được xây dựng chủ yếu từ đầu thế kỷ 20. [...]

3. Sinh thái học: kiến thức về môi trường và kỹ thuật
Sinh thái học (ecology) là môn học về mối quan hệ giữa các sinh vật sống và môi trường. Trong ngành nhân học, bộ môn này quan tâm đến mối quan hệ giữa con người trong môi trường sống của họ, và chuyện họ sử dụng kỹ thuật như thế nào để khai thác môi trường đó. Các nhà nhân học sinh thái tập trung vào việc người làm thế nào để kiếm sống và thường chuyên tâm vào các nguyên cứu những mô hình xã hội đặc biệt trên cơ sở này, ví dụ như loại hình săn bắn hái lượm, các cộng đồng ngư dân, v.v. [...]

4. Kinh tế: diễn giải sản xuất và phân phối
Kinh tế đề cập tới các vấn đề vật chất của xã hội. Các vấn đề đó bao gồm sản xuất, phân phối nội bộ, và trao đổi với các xã hội khác. Các ca nghiên cứu được dân tộc ký khai thác để làm nổi bật góc cạnh văn hóa của các hệ thống kinh tế và soi sáng kiến thức về kinh tế vốn trừu tượng. Các nghiên cứu nhân học sẽ tạo ra nhiều lý thuyết khác nhau về các cơ sở kinh tế.

5. Chính trị và luật: phân quyền và kiểm soát xã hội
Chính trị bao gồm quyền lực và uy tín lãnh đạo, chính sách chọn lựa, và cơ cấu kiểm soát xã hội (băng nhóm, bộ lạc, thủ lãnh và quốc gia). Nhân học chính trị tập trung vào các vấn đề đó cùng với những đề tài có liên quan như sắc tộc và chủ nghĩa dân tộc. Nghiên cứu nhân học trong luật pháp cũng có liên quan tới nhân học chính trị. Nó thiên về các nghiên cứu so sánh, đặc biệt là đối với luật lệ trong các xã hội ở qui mô nhỏ
[3]. [...]

6. Lòng tin, nghi lễ tôn giáo và hệ thống biểu tượng
Lòng tin, nghi lễ tôn giáo và hệ thống biểu tượng (symbolism) là những góc cạnh phức tạp của văn hóa. Nhà nhân học tìm cách diễn giải các hệ thống này mà không áp đặt trước lối đánh giá bằng lòng tin tôn giáo của bản thân. Họ lập ra các khái niệm xây dựng nên từ quá trình nghiên cứu nhiều xã hội và các phương pháp dựa trên quan sát và linh cảm. Những khác biệt then chốt, như hi sinh và báng bổ, hay phù thủy và yêu thuật giúp cho công việc đó được dễ dàng hơn. Nhờ tìm cấu trúc của các huyền thoại và hệ thống biểu tượng, một số nhà nhân học đã tìm được ý nghĩa của cái mà ban đầu tưởng như là một mớ hỗn độn vô nghĩa
[4]. [...]

7. Tính dục, giới tính và gia đình
Tính dục liên quan đến sinh vật, còn giới tính thì dính nhiều tới các hành vi xã hội và văn hóa. Các nhà nhân học đã nghiên cứu giới tính trong các xã hội khác nhau, nhưng quan trọng hơn là họ đã tiến hành so sánh giữa các nền văn hóa và tìm bằng chứng ủng hộ hoặc phản lại các suy nghĩ phổ biến về tính dục và giới tính. Lập luận nữ quyền ảnh hưởng đặc biệt mạnh khiến các nhà nhân học phải cân nhắc về các vấn đề như vậy. Tương tự vậy, các nghiên cứu xuyên văn hóa về gia đình và hôn nhân cho thấy những gì chúng ta thường coi như là phổ biến lại hóa ra không phải như vậy
[5]. [...]

8. Dòng họ: thuật ngữ, gốc gác và liên minh
Dòng họ là bộ môn đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất của nhân học, nhưng cũng không kém sức thu hút. Chìa khóa để thành công là học những khái niệm cơ bản và làm chủ kỹ năng đọc và vẽ sơ đồ họ hàng. Bộ môn dòng họ bao gồm phép phân loại người thân, cơ cấu tổ chức các nhóm họ hàng, và các quan niệm về hôn nhân. Các nhà nhân học chuyên tâm vào các nhóm họ hàng được gọi là 'các lý thuyết gia về gốc gác', và những ai quan tâm hơn đến các mối quan hệ giữa các nhóm (qua hôn nhân) được gọi là 'các lý thuyết gia về liên minh'
[6]. [...]

9. Nhân học ứng dụng và phát triển
Một số nhà nhân học coi ngành nhân học ứng dụng (applied) như một nhánh của nhân học chuyên nghiên cứu các vấn đề mang giá trị thực dụng, trong khi một số khác thì lại tin rằng tất cả các nhánh của nhân học đều có nhiều khả năng áp dụng được trong cuộc sống. Bất kể quan điểm là như thế nào thì những người nghiên cứu nhân học ứng dụng sử dụng các tư tưởng của nhân học trong các lãnh vực như giáo dục đa văn hóa, chính phủ, y tế và công tác thiện nguyện. Nhân học phát triển (development) cũng là ngành có liên quan. Các nhà nhân học phát triển tập trung vào công tác tư vấn cho các chính phủ và các tổ chức từ thiện về các vấn đề xã hội và văn hóa liên quan tới phát triển kinh tế, đặc biệt là ở Thế giới thứ ba
[7]. [...]

10. Lý thuyết nhân học
Lý thuyết nhân học cùng lúc hướng dẫn quá trình nghiên cứu theo phương pháp nhân học và đồng thời cũng đưa ra giải nghĩa cho các kết quả tìm được. Nó tạo ra khung lý thuyết cho hệ thống kiến thức về văn hóa và xã hội. Bởi vì các nhà nhân học có quan điểm khác nhau về kết cấu của một khung lý thuyết như vậy, cho nên họ thường tranh cãi. Lý thuyết nhân học thay đổi rất nhiều trong những năm qua, nhưng nhiều nhà nhân học dự vào các hệ tư tưởng cổ điển hoặc đặt cơ sở cho quan điểm hiện tại của mình dựa trên những cuộc tranh luận quan trọng trong quá khứ. [...]

--------------------------------------------------------
[1] Đây là quyển giáo trình cho sinh viên do giáo sư Alan Barnard biên soạn Social Anthropology - Investigating Human Social Life, Studymates xuất bản lần thứ hai 2006 (2000), 160 trang. Người dịch chỉ chuyển tải phần rút gọn ở mỗi đầu chương để cung cấp một số ý niệm cơ bản. Quí vị có thêm quan tâm về quyển sách này xin mời truy cập vào địa chỉ www.studymates.co.uk để tham khảo thêm. Giáo sư Alan Barnard dạy ở khoa Nhân học chuyên về vùng Nam Phi của Đại học Edinburgh, email: alan.barnard@studymates.co.uk
[2] Foreword do giáo sư Tim Ingold từ Đại học Aberdeen viết.
[3] Ví dụ như công trình nghiên cứu và mô tả hoạt động cấp phường ở Hà Nội của tiến sĩ chính trị học người Singapore David Koh, Viện nghiên cứu Đông Nam Á. Có thể đọc thêm ở trang mạng giới thiệu sách http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080822_david_koh.shtml
[4] Ví dụ như công trình nghiên cứu và phân loại hồn ma ở Việt Nam của tiến sĩ nhân học Anh gốc Hàn quốc Kwon Heon-ik, Đại học Edinburgh. Có thể đọc thêm ở trang mạng giới thiệu sách http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080908_kwon_heonik.shtml
[5] Ví dụ như công trình nghiên cứu tái dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hậu thuộc địa của tiến sĩ nhân học Anh Susan Bayly, Đại học Cambridge. Có thể đọc thêm ở trang mạng giới thiệu sách http://www.bbc.co.uk/vietnamese/magazine/story/2008/08/080826_hanoi_intellectuals.shtml
[6] Ví dụ như các nhà nghiên cứu phát hiện thấy mối quan hệ mandala - dùng hôn nhân để tạo liên minh giữa các nhóm - rất phổ biến trong ngoại giao ở Đông Nam Á trước thời bị thực dân ảnh hưởng. Nhà Trần từng giữ mối quan hệ ngoại giao với vương quốc Chămpa bằng đám cưới Công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III), đổi lại quyền làm chủ châu Ô và châu Lý. Có thể đọc thêm ở http://vi.wikipedia.org/wiki/Huyền_Trân, hoặc http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/07/050724_regionalism.shtml


[7] Ví dụ như công trình nghiên cứu của chuyên gia Ronald Bruce St John về chiến lược cải tổ của Việt Nam. Có thể đọc thêm ở trang mạng giới thiệu sách http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080910_gioihancaicach.shtml

No comments: