Wednesday, November 19, 2008

Bản sắc xã hội

Bản sắc xã hội
Lê Hải biên soạn
[1] [2]

Bản sắc xã hội (social identity) nhìn từ góc độ của ngành tâm lý xã hội được định nghĩa như là "những cảm quan về khái niệm bản thân, tạo thành từ kiến thức và cảm nhận của cá nhân về các tư cách thành viên trong nhóm mà cá nhân đó cùng chia sẻ với những người khác" (tr.205).

Vài nét về tâm lý xã hội

Vốn phôi thai từ cuối thế kỷ 19 và phát triển mạnh trong nửa sau của thế kỷ 20, ngành tâm lý xã hội (social psychology) đặt nền móng trên hai tiên đề cơ bản, rằng "con người xây dựng thực tại xã hội và xã hội ảnh hưởng lên sinh hoạt đời thường của con người. Nói một cách đơn giản, con người giúp định nghĩa môi trường xã hội và cùng lúc môi trường xã hội ảnh hưởng lên họ" (tr. xix). Do đó, ngành tâm lý xã hội "nghiên cứu các ảnh hưởng đồng thời của xã hội và quá trình nhận thức lên ý thức của mỗi cá nhân, mà qua đó sẽ ảnh hưởng và liên hệ với các cá nhân khác. Tâm điểm quan tâm của tâm lý xã hội học là người ta hiểu và tương tác với những người khác như thế nào" (tr.3). Cần chú ý rằng khái niệm trung tâm ở đây là xây dựng thực tại (construction of reality), tức là thực tại được phản ánh trong tư duy của mỗi người bằng một kết cấu, tạo thành qua quá trình nhận thức (cognitive process) và được bồi đắp thông qua các tương tác xã hội, có thể trực tiếp với những người thực việc thực nhưng cũng có thể là gián tiếp (thông qua trí tưởng tượng, hoạt động nghe nhìn từ sách báo, phim ảnh, truyền thông...).

Tôi, chúng ta và chúng nó

Từ góc nhìn như vừa kể, quá trình nhận thức về bản thân bằng cách phân loại và định nghĩa tư cách thành viên trong nhóm của mỗi bản thân là một trong những đề tài được tâm lý xã hội học đặc biệt quan tâm. "Khi người ta coi mình là thành viên tiêu chuẩn của một nhóm, thì cũng giống như bấy kỳ cảm nhận nào khác về khái niệm bản thân, cảm giác này sẽ điều khiển suy nghĩ và hành động của cá nhân đó" (tr.211). Nhờ quá trình tự phân loại mà cái tôi trở thành chúng ta, còn bên ngoài là chúng nó. Thực ra ý thức về tư cách thành viên trong nhóm có thể không xuất hiện mà chỉ được khởi động khi nào được ai đó nhắc nhở trực tiếp thông qua tên gọi cho nhóm, hay khi được đặt cạnh một nhóm khác, khi bị trở thành thiểu số trong một quần thể, hoặc mối quan hệ giữa hai nhóm trở nên mâu thuẫn nặng nề. "Con người biết thêm về nhóm mà mình đang thuộc về bằng cách cũng giống như khi nhận biết về những đặc tính của các nhóm khác: thông qua quan sát các thành viên của nhóm khác hoặc qua văn hóa" (p.244). Về lâu dài thì bản sắc xã hội cũng có thể dần hình thành trong ý thức của mỗi cá nhân nếu nền văn hóa nhấn mạnh đến vai trò thành viên của người tham gia, hoặc cá nhân đó thường xuyên nghĩ đến vị trí thành viên của mình.

Nội và ngoại

Mỗi con người đều có đồng thời hai nhu cầu theo chiều hướng ngược lại với nhau, luôn trong trạng thái cân bằng động. Trước hết người ta muốn coi mình là cá nhân riêng biệt không giống ai khác. Cùng lúc thì họ cũng muốn giống với người khác và có mối quan hệ với một nhóm người. Mối quan hệ đó có thể là cảm giác nằm bên trong, hay còn gọi là nhóm nội (in-group) hoặc tách ra bên ngoài, hay còn gọi là nhóm ngoại (out-group). Sự cân bằng giữa hai xu hướng tách riêng và nhập hội trong mỗi con người cũng sẽ thay đổi nếu môi trường xã hội xung quanh người đó thay đổi về số lượng và kích thước. Trong nhóm nhỏ người ta có cảm giác gần gũi nhưng cũng có bực bội vì không có nhiều khoảng không cho cái riêng. Trong nhóm lớn thì người ta có thể thoải mái về sự riêng tư, nhưng có lúc lại thấy cô đơn lạc lõng vì mối quan hệ quen biết quá lỏng lẻo. Do mối quan hệ giữa hai xu hướng vừa nêu vốn là trạng thái cân bằng động, bản sắc xã hội luôn là một quá trình hay tiến trình dịch chuyển là hệ quả của sự thay đổi môi trường sống. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm ghi nhận ba quá trình đáng chú ý.

Bản sắc tích cực

Trước hết, có một lý thuyết được gọi lên là lý thuyết bản sắc xã hội (social identity theory) ghi nhận rằng "động cơ của con người ta muốn có được sự thỏa mãn tâm lý nội tại (self-esteem) về tư cách thành viên nhóm của mình chính là lực đẩy đằng sau sự thiên vị dành cho nhóm nội" (tr.222). Khi tư cách thành viên nhóm đơn thuần chuyển lên thành thể bền vững hơn hay còn gọi là bản sắc xã hội, thì người ta có thiên hướng 1) coi các thành viên của nhóm nội cũng đều giống như bản thân mình, 2) có cảm giác thích các thành viên trong nhóm nội của mình, và 3) đối xử với họ rất công bằng và đầy lòng vị tha.

Định kiến

Quá trình chuyển hóa thứ hai được mô tả xoay quanh khái niệm stereotype, tức là những định kiến hay 'cái tính được cho là' của nhóm người khác với mình - nhóm ngoại. Phát xuất từ quá trình phân loại, người ta sẽ nhìn vào một nhóm ngoại với những tính chất dễ nhận dạng, và khái quát hóa lên thành một nhóm đồng nhất. Tùy thuộc vào thái độ đối với nhóm đó mà người ta sẽ chấp nhận các mức độ đối xử khác nhau. 1) Nếu nhóm ngoại chỉ được ghi nhận như là có những khác biệt so với nhóm nội, thì cá nhân này chỉ dừng ở mức không thích nhóm ngoại đó cho lắm, so với tình cảm thích người - thành viên của nhóm nội. 2) Nếu nhóm ngoại bị coi là gây thiệt hại cho nhóm nội thì cá nhân này không chỉ không thích và bực bội với nhóm ngoại, mà còn sẵn sàng ủng hộ những ai có hành động chống lại nhóm đó. 3) Nếu nhóm ngoại bị coi là mối đe dọa nghiêm trọng cho nhóm nội, thì lòng thù ghét đối với họ sẽ dễ kéo theo hành động bạo lực.

Nhóm tiêu cực

Quá trình thứ ba này xuất hiện khi cá nhân là thành viên của một nhóm bị người ta không thích hoặc ghét bỏ. Trước hết, nếu cá nhân cảm thấy cần bảo vệ lòng tự trọng hay tiếp tục duy trì sự thỏa mãn tâm lý nội tại, người này sẽ chọn thái độ coi mình là nạn nhân của định kiến, hoặc so sánh vai trò xã hội giữa mình và các thành viên khác trong nhóm. Nếu cá nhân không có như cầu như vừa nêu thì sẽ tùy thuộc vào sự xác định vai trò của mình trong nhóm mạnh yếu thế nào. Khi cá nhân không thấy mình là thành viên của nhóm cho lắm, thì sẽ tìm một sự ổn định về xã hội, cho nên sẽ chống lại con đường cả nhóm đang đi - trở thành nhà bất đồng chính kiến, hoặc đơn giản là rút lui khỏi nhóm đó. Nếu cá nhân xác định rất rõ mình là thành viên của nhóm, thì sẽ đi tìm cơ hội thay đổi xã hội, có thể i) phát triển sáng tạo trong xã hội, ii) tìm sự cạnh tranh trong xã hội, hoặc iii) đặt lại hệ thống phân loại.

Hành vi nhóm


Có thể thấy bản sắc xã hội chính là cảm nhận của mỗi người về việc anh ta hay chị ta là ai, bắt nguồn từ (một hay nhiều) tư cách thành viên của anh ta hay chị ta trong nhóm. Thường với câu hỏi 'Tôi là ai' người ta có thể trả lời cụ thể việc đang làm, hay chung chung về vai trò, hoặc giới tính, và sắc tộc/quốc tịch. Cách nhìn này gắn liền với tên của George Mead từ thập niên 1930s, nhưng đến khoảng 1970s và 1980s mới bắt đầu được kết dính với hành vi nhóm qua các nghiên cứu của Henri Tajfel và John Turner, ứng dụng lý thuyết về so sánh xã hội mà giải thích rằng chúng ta luôn định giá trị nhóm của mình bằng cách so sánh với các nhóm khác. Kết quả của các phép so sánh đó vô cùng quan trọng vì ảnh hưởng tới sự thỏa mãn tâm lý nội tại của mỗi cá nhân. Ví dụ như fan hâm mộ của đội banh thắng trận thích mặc quần áo và huy hiệu của đội hơn là bên thua. Người ta cũng thấy sự thiên vị thấy rõ đối với các thành viên trong nhóm mà người đánh giá tự xác định mình là thành viên.


[1] Dựa trên nội dung từ chương 6 (Social Identity), giáo trình ngành Tâm lý xã hội học (Social Psychology) do Eliot R. Smith và Diane M. Mackie biên soạn, ấn bản lần 2 năm 2000. Psychology Press thuộc Taylor&Francis Group xuất bản tại Hoa Kỳ và Anh quốc. Các đoạn trong ngoặc kép được trích dẫn và dịch từ sách này. Chú thích là của người biên soạn.

[2] Được bổ sung thêm góc nhìn từ chương 15 (Intergroup Relations) do Rubert Brown phụ trách, trong giáo trình Nhập môn tâm lý xã hội học do Miles Hewstone và Wolfgang Stroebe biên soạn, ấn bản lần 3 năm 2003 (1988). Phần bổ sung bắt đầu từ mục 'hành vi nhóm'.

No comments: