Sunday, October 12, 2008

Chủ nghĩa Mác hiện đại

Chủ nghĩa Mác hiện đại
Anthony Giddens, Lê Hải dịch

Hệ tư tưởng cơ sở cùng diễn giải của Anthony Giddens dàn trải qua rất nhiều đầu sách giáo khoa và bài viết khoa học, cũng như bài giảng và phỏng vấn trên báo chí. Các lý luận về duy vật lịch sử của hệ phái hậu-Mác (post-Marxism) của giáo sư Giddens được trình bày khá tập trung trong bộ sách ba tập, mà quyển thứ hai trình bày lịch sử phát triển của các quốc gia trong thời hiện đại (The Nation-State and Violence), hiện tượng mà Mác chưa kịp đào sâu. Đây là bài giảng đại chúng
[1] của nam tước Giddens[2] khi bắt đầu giữ chức hiệu trưởng Đại học kinh tế và chính trị Luân Đôn (LSE) năm 1997, khẳng định giá trị của hệ tư tưởng Mác, nhưng không đồng ý với cách hiểu và vận dụng quá thiên tả.

Hệ tư tưởng duy vật lịch sử, cũng giống như chủ nghĩa Mác, được hiểu rất khác nhau đối với nhiều nhóm người khác nhau. Nói chung, trên thế giới cũng có rất nhiều phiên bản khác nhau của chủ nghĩa Mác. Tuy vậy, có hai xu hướng áp đảo về cách diễn giải cơ bản. Xu hướng đầu tiên tôi tạm gọi là phiên bản kinh tế, tức là diễn giải trên một số quá trình thay đổi nhất định trong lịch sử. Nhóm này khẳng định rằng diễn biến chung của phát triển trong lịch sử chịu ảnh hưởng từ cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội, hoặc bị chi phối chủ yếu từ sức mạnh giai cấp. Câu nói của Mác rằng “lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp” chính là một cách phát biểu đại diện cho phiên bản này của duy vật biện chứng.

Phiên bản thứ hai của duy vật lịch sử có phần thiên về triết học nhiều hơn. Nếu quí vị ít nhiều liên tưởng tới những ai diễn giải chủ nghĩa Mác như một học thuyết khoa học, thì phiên bản thứ hai này gắn liền với những ai quan niệm chủ nghĩa Mác trước hết là một phương pháp phê phán. Xu hướng này không đặt nặng vào nội dung các phát biểu của Mác, cũng không quan tâm nhiều đến chủ nghĩa tư bản đương đại, hay ngay chính nội dung của lịch sử, mà chủ yếu là xem chủ nghĩa Mác như một phương pháp luận mang tính phê bình đối với các quá trình thay đổi.

Theo cách nhìn này, duy vật lịch sử theo tôi gắn liền với định lý (quy luật) cho rằng loài người trong quá khứ không tạo ra lịch sử vì điều kiện cho sự lựa chọn của họ trong các niên đại lịch sử trước kia đa phần bị chi phối bởi các hình thể đã tồn tại từ trước, mà họ không hiểu được, hoặc bị cấm đoán, bị tập quán giới hạn, hoặc không ý thức được lịch sử của chúng ta. Hệ phái này cho rằng hiểu lịch sử chính là để thay đổi lịch sử, như Mác từng phát biểu “triết gia chỉ biết diễn giải thế giới, vấn đề là làm sao thay đổi nó”. Càng hiểu thêm về các điều kiện tạo thành lịch sử, chúng ta càng có thêm khả năng sở hữu tương lai, phục vụ lợi ích riêng, sắp đặt tương lai cho phù hợp với lợi ích chung của nhân loại. Bản thân tôi nghĩ rằng phiên bản thứ hai của duy vật lịch sử hấp dẫn hơn, và lý thú hơn là chứa đựng nhiều sai sót hơn là phiên bản thứ nhất. Nhưng trước hết hãy cho phép tôi đưa ra một số ý liên quan tới phiên bản đầu tiên.

Có một điều không cần phải tranh cãi, đó là có nhiều loại quyền lực (power) vận hành trong lịch sử loài người và trong nhiều trường hợp, cũng giống như quyền lực kinh tế, không thể giản lược hóa xuống thành trường hợp một giai cấp áp đảo (thống trị), và thiếu tính đến quyền lực đó thì không thể giải thích được qui luật biến đổi của lịch sử. Có những quyền lực kinh tế chính là quyền lực của giai cấp, nhưng không phải bất kỳ quyền lực kinh tế nào cũng như vậy. Còn có cả những quyền lực chính trị không chỉ đơn thuần là quyền lực của giai cấp. Nhà nước không chỉ đơn giản là công cụ của giai cấp. Còn có cả quyền lực quân sự, mà xét ra có thể coi là một lực độc lập trong lịch sử, có phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, nhưng không thể chỉ đơn giản coi là công cụ của cuộc đấu tranh giai cấp. Ngoài ra, còn phải xét đến cả quyền lực văn hóa, hay quyền lực tư tưởng, các phạm trù không thể giản lược hóa xuống thành hoạt động của giai cấp.

Hơn vậy, tôi không nghĩ có thể đơn giản hóa những vấn đề như sắc tộc, tôn giáo hay chia rẽ về bản sắc dân tộc xuống thành phân chia giai cấp. Cũng khó có thể đối chiếu một cách hợp lý các tranh cãi về môi trường trên bề mặt trái đất sang thành cuộc đấu tranh giai cấp. Có nhiều nguồn quyền lực khác nhau, cũng như nhiều nguồn mâu thuẫn khác nhau, và mâu thuẫn giai cấp có thể là xác đáng trong một số trường hợp, nhưng nếu nghĩ rằng vấn đề nào cũng có thể giải thích được bằng mâu thuẫn giai cấp thì thật là sơ sài.

Mác coi lịch sử là quá trình phát triển từ xã hội công xã bộ lạc lên thành chủ nghĩa tư bản công nghiệp và chuyển hóa thành thế giới xã hội chủ nghĩa. Nhưng, như Lévi-Strauss từng nhắc rất chính xác, rằng lịch sử không phải như vậy, mà đó chỉ là lịch sử của một loại xã hội nhất định nào đó mà thôi. Lịch sử nếu nhìn một cách toàn diện thì là một con đường theo trình tự thời gian. Trình tự thời gian bình thường của ít nhất 90% cái mà chúng ta gọi là lịch sử loài người không hề vận hành như vậy. Theo như định nghĩa của Lévi-Strauss, thì văn hóa lại có cách tồn tại và tổ chức rất khác theo trục thời gian. Cái mà chúng ta gọi là lịch sử chỉ là cách mà chúng ta tự sắp đặt mối quan hệ theo thời gian, văn bản và quyền lực. Chủ nghĩa Mác chẳng qua chỉ là một cách thể hiện theo loại hình xã hội đó mà thôi, hơn là một cách nhìn độc lập đối với vấn đề này.

Bây giờ tôi xin chuyển sang phiên bản thứ hai của duy vật lịch sử, cho rằng con người trong quá khứ không hiểu được lịch sử của họ, còn chúng ta thì có khả năng đó, và chủ nghĩa Mác là công cụ chính để hiểu lịch sử, và thay đổi tương lai. Theo cách hiểu này thì tôi cho rằng Mác chính là một nhà tư tưởng thậm chí còn là tiêu biểu cho thời kỳ Khai sáng (Enlightenment). Giai đoạn đó người ta có một qui luật chung về mối tương quan giữa con người và lịch sử mà có lẽ, và hiện tại vẫn có vẻ như thế, rất phổ biến, nhưng trên thực tế có thể sai hoặc phức tạp, khó hiểu và gây ra nhiều tranh cãi hơn đa số chúng ta vẫn thường quan niệm. Qui luật đó nói rằng nếu càng hiểu lịch sử và thế giới tự nhiên xung quan, càng tích lũy thêm kiến thức - cả về khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên, thì chúng ta sẽ càng có thêm khả năng làm chủ cả tự nhiên lẫn chính chúng ta. Đó là chuyện thay đổi lịch sử, chứ không phải thế giới bên ngoài, cho phù hợp với nhu cầu và lợi ích của con người.

Lịch sử của thế kỷ 20 cho thấy qui luật này không đúng, ít nhất là theo cái cách mà Marx từng vạch ra. Sự hiểu biết gia tăng của con người trong nhiều lãnh vực của cuộc sống thực ra kéo theo nhiều điều bất ngờ hơn là trong khả năng dự đoán của con người. Thế giới có thêm nhiều kịch bản nguy hiểm mà chúng ta hầu như không có cơ sở nào để đối phó từ kinh nghiệm trong quá khứ. Chúng ta không phải đang sống trong thế giới do con người thống trị nhờ ngày càng có thêm chuyên gia kỹ thuật cả về tự nhiên lẫn xã hội. Chúng ta sống trong một thế giới mà tôi có thể mô tả như một thế giới chạy trốn, một thế giới đầy những thay đổi đứt đoạn và bất thường mà chúng ta không hoàn toàn hiểu được. Tương lai đưa ra một loạt các kịch bản khả thi mà chúng ta rất khó chọn lựa giữa chúng, còn hiện tại mà chúng ta đang phải đối phó với một hiện tại không thể dự đoán và nhiều đứt đoạn hơn là cái hiện tại mà Mác có thể hình dung ra nổi. Biến cố những cuộc cách mạng năm 1989 là ví dụ cho những sự thay đổi nằm ngoài dự đoán. Bất kỳ ai muốn suy xét các thay đổi chính trị và nghiên cứu nửa sau của thế kỷ 20 đều phải công nhận biến cố đó hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Mọi chuyện xảy ra không phải vì chúng ta không quan tâm tới thế giới bên ngoài, hay không quan tâm tới bản thân, mà phần nào đó là vì chính sự tích lũy kiến thức về chính chúng ta và kiến thức về môi trường sống xung quanh. Mối quan hệ đó tạo ra dạng thức chính xác về sự phi đoán (không thể đoán nổi) mà lịch sử đã không chuẩn bị trước cho chúng ta.

Chúng ta chỉ có các phương pháp và khoa học có từ thời Khai sáng để nhìn nhận một lịch sử mà hình dạng của nó không hề giống với những gì mà thời Khai sáng từng tiên liệu. Chúng ta không thể thoát khỏi thế giới khoa học và kỹ thuật mà chính chúng ta đã tạo nên. Chúng ta thậm chí còn không thể dự báo nổi các nguy cơ môi trường mà không dùng đến các phương tiện khoa học kỹ thuật, chính là tác nhân hàng đầu tạo ra các nguy cơ đó. Tẩt cả là vì lịch sử vẫn chưa phải là bản thiết kế như Marx từng tiên đoán. Đây là vì có sai sót về logic trong cách nhìn về lịch sử, kiến thức và các thay đổi xã hội mà Marx từng công nhận. Khi Marx nói loài người có khả năng giải quyết một vấn đề nào đó, chúng ta đã chấp nhận là qui luật đó không thể đụng chạm. Chúng ta không thể mặc nhiên nghĩ rằng các vấn đề mà chúng ta coi là nhân bản đều nhất thiết sẽ được chúng ta giải quyết. Chúng ta đang sống trong một thế giới với rất nhiều cơ hội, nhưng cũng là một thế giới với nhiều nguy hiểm mà chúng ta đã tạo ra. Nếu chúng ta không coi những nguy cơ bất ngờ là một phần cơ bản của lịch sử, mà cứ vô tư tiến vào tương lai, thì sẽ không còn cơ hội đối phó hiệu quả với những nguy cơ đó. Lý thuyết Mác-xít về lịch sử không phản ánh hết con đường mà thế giới của chúng ta đang đi.

Chúng ta sống trong một xã hội mà sự phân chia giai cấp ngày càng thêm gay gắt. Tôi không nghĩ giai cấp đã biến mất trong xã hội hiện thời. Sự phân chia ngày càng rõ về giai cấp đang ngày càng nối kết thêm với quá trình toàn cầu hóa. Nhưng quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra trên thế giới ngày hôm nay khác rất nhiều so với tiến trình bành trướng ra thế giới của hình thái tư bản công nghiệp trước kia. Quá trình toàn cầu hóa ngày nay theo xu hướng xa dần trung tâm (decenter), và kỹ thuật thông tin giữ vai trò quan trọng, mà theo đó hệ thống tiền tệ được chuyển thành hệ thống tiền tệ điện tử toàn cầu, mà sự áp đảo của thị trường tài chính là chìa khóa quan trọng của thay đổi. Trái ngược với những gì John Rees nói
[3], quí vị có thể thấy hiện tượng tư bản toàn cầu chạy thoát khỏi lực lượng lao động, cũng chính là lý do mà theo tôi cần phải giải thể hệ thống an sinh xã hội trước kia ở Anh. Nói chung không dễ dàng gì tìm được giải pháp cho vấn đề này.

Cũng còn một vấn đề Mác từng nói về cấu trúc của chủ nghĩa tư bản hiện đại, vẫn còn nguyên tầm quan trọng. Chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục theo xu hướng độc quyền (monopoly) hoặc tập trung quyền lực vào một nhóm (oligopoly), và là một hệ thống luôn trong tình trạng bất ổn. Chúng ta đang sống trong nền văn minh toàn cầu luôn trong tình trạng biến đổi, và cũng không rõ có thể sống trong xã hội này xét trong khoảng thời gian dài tương đối hay không, chưa nói gì đến dài hạn. Nhưng chủ nghĩa Mác chết đúng ở điểm Mác tin là ông đã có đóng góp vĩ đại nhất cho học thuyết về xã hội chủ nghĩa, lý thuyết về quản lý kinh tế, cũng như ý tưởng cho rằng giai cấp lao động làm nên lịch sử, và quan điểm cho rằng khối xã hội chủ nghĩa là đóng góp tích cực cho lịch sử. Các luận điểm đó đối với tôi không thuyết phục như đối với nhiều người khác. Chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề khác biệt cần phải đối phó và tìm lý thuyết chính trị phù hợp để giải quyết.

--------------------------------------------------------------

[1] LSE duy trì truyền thống về loạt bài giảng cho phép công chúng ngoài đường tự do vào nghe, buộc học giả phải tìm cách diễn giải dễ hiểu hơn. Bản dịch này chỉ trích riêng phần bài giảng của GS Anthony Giddens, chưa đề cập đến phần giới thiệu và phản biện của John Rees, tổng biên tập tạp chí Chủ nghĩa xã hội quốc tế, nhân vật đại diện cho xu hướng thiên tả trong vận dụng chủ nghĩa Mác, trước cử tọa 500 người. Biên bản buổi lecture được in trên tạp chí chuyên ngành Socialist Review, số 210, tháng Bảy-Tám 1997, phiên bản mạng ở địa chỉ http://pubs.socialistreviewindex.org.uk/sr210/marx.htm
[2] Anthony Giddens sinh ngày 18 tháng Một năm 1938, được coi là nhà xã hội học vĩ đại nhất nước Anh từ sau thời John Maynard Keynes. Hệ tư tưởng của ông trở thành giáo trình cơ sở cho sinh viên ngành xã hội học không chỉ ở các nước nói tiếng Anh. Chính sách ‘con đường thứ ba’ được thủ tướng Tony Blair ủng hộ và vận động để trở thành xu hướng chính trị quốc tế cho các nước phương Tây, còn riêng giáo sư Giddens được chính phủ Anh phong tặng tước hiệu Baron (nam tước) và đại diện suốt đời cho đảng Lao Động ở thượng viện (House of Lords). Đọc thêm ở http://vi.wikipedia.org/wiki/Anthony_Giddens
[3] Bài giảng của Anthony Giddens được trình bày sau lời giới thiệu và dẫn nhập của John Rees, tổng biên tập tạp chí International Socialism.

No comments: