Thursday, March 4, 2010

Luoc Su Nhan Loai

Lược Sử Nhân Loại
Ernest Gellner, Lê Hải dịch

Bài dịch ra giấy từ 10 năm trước, dọn dẹp một ngăn kệ nên chịu khó chép từ từ lên đây vậy. Một chương trong quyển sách, sẽ tìm lại tên sau vậy. Các số là số thứ tự của các paragraph, bản gốc không có, tui điền vô để nhớ đã làm tới đâu.

Chương 3, A short history of mankind, trang 14-25, Ernest Gellner 1997, Nationalism, Weidenfeld&Nicolson.

1. Trong phần trước chún ta đã đề cập đến hai phạm trù cơ bản để dùng trong tiểu luận này là văn hóatổ chức. Mối quan hệ qua lại giữa hai thực thể này thay đổi rất triệt để theo bước đi của lịch sử loài người. Dưới đây là phác họa về các thời kỳ chính trong lịch sử nhân loại, phát xuất từ cách nhìn này.

2. Về cơ bản, loài người đã đi qua 3 thời kỳ: hái lượm, nông nghiệp, và xã hội khoa học công nghiệp. Vào thời kỳ hái lượm, các quần thể hay cộng đồng nhỏ không đủ lớn để nảy sinh ra vấn đề dân tộc. Các giao thoa tình cờ giữa các nhóm tạo thành dạng đa văn hóa, ngay cả đối với các quần thể nhỏ (Claude Lévi-Strauss đã ghi nhận một trường hợp như vậy ở vùng rừng Brazil). Nơi đó thường gặp các hiện tượng như là gặp gỡ văn hóa. Nói chung, nét tự nhiên sơ khai trong lãnh đạo chính trị, đi cùng với sự thiếu vắng của văn hóa "cao" (mã hóa, liên kết văn tự) đã không tạo điều kiện cho vấn đề quan hệ giữa chính trị và văn hóa - môi trường cho chủ nghĩa dân tộc phát triển - xuất hiện. Khi không có quốc gia lẫn nền giáo dục mang tính khuôn mẫu, thì vấn đề quốc gia phải chọn văn hóa nào cũng khó mà xuất hiện trong hệ thống giáo dục.

3. Sang đến giai đoạn tiền nông nghiệp thì chủ nghĩa dân tộc bắt đầu xuất hiện. Các xã hội tiền nông nghiệp phải đấu tranh sinh tồn trong một thế giới mới, tức là vị thế của một số dân quá ít (so với thời nông nghiệp hay công nghiệp), nhưng lại sở hữu một diện tích quá lớn. Khi đó có xu hướng là họ dễ bị các nhóm dân lạ tràn đến miền đất mà họ coi là nhà, cũng như xu hướng là họ gia nhập vào các khối chính trị lớn hơn do người khác lãnh đạo hoặc do nhóm sắc tộc lớn hơn chiếm ưu thế. Thông thường, vùng đất nơi họ săn bắn, đánh cá, hái lượm và sinh sống hay có tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh mới, có khi họ giành được ít nhiều quyền lợi với tư cách được công nhận là cư dân nguyên thủy. Nhưng cũng có khi họ bị tàn nhẫn gạt bỏ (như trong trường hợp dân Tuareg, khó mà đòi được gì từ các mỏ dầu ở Sahara - nơi họ từng chăn dắt lạc đà). Trong khả năng khủng khiếp hơn họ có thể bị tìm giết sạch bằng dịch bệnh chỉ vì người ta muốn rảnh tay khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là vấn đề quan trọng và gây tranh cãi, tập trung không chỉ mối quan tâm nhân bản muốn ngăn chặn việc khai thác (và nhân tiện diệt chủng) các sắc dân yếu hơn, mà còn cả mối quan tâm của giới bảo tồn nhân chủng học để lưu lại vài mảnh vụn của "thế giới đã mất". Nhìn lại thì "chủ nghĩa dân tộc" trong bất kỳ dạng hiện đại nào cũng đều chưa hình thành ở người hái lượm, cả trong thời pre-Neolitic-Revolution, tức khi tất cả loài người chưa trải qua cuộc cách mạng đồ đá, lẫn cả giai đoạn sau này, khi người hái lượm vẫn còn sống sót trên các vùng đất biệt lập (ví dụ như Úc) hay ngoài rìa thế giới trồng trọt chăn nuôi. Nhưng bây giờ họ đã quan tâm đến chuyện đó. Những người đánh cá hay hái lượm ở vùng cực - cả tân lẫn cựu thế giới, đều đang tổ chức lại và áp dụng thuyết "dân tộc" để chống lại cái mà họi là thế lực xâm lấn Nga hay Québec.

4. Thời kỳ nông nghiệp thì có khác. Giai đoạn này ghi nhận mức tăng trưởng dân số quá mức, do con người biết sản xuất và tích trữ thực phẩm. Cũng chính khả năng này tạo điều kiện cho việc gia tăng phân hóa các tổ chức lao động và xã hội. Ngoài sự mở rộng các ngành nghề kinh tế, chẳng hạn như thợ thủ công và thương gia bặt đầu hiện diện trên danh sách lực lượng sản xuất nông nghiệp, còn xuất hiện thêm các thế lực được gọi là Đỏ và Đen: tức một bên là nhóm các nhóm dân mới chuyên về vũ lực và bạo động, còn bên kia là giới thuyết gia, lễ nghi, cứu trợ, giải tỏa tâm lý và thiền đạo tâm linh. Sự tập trung chính trị (nói cách khác tức là quốc gia) bắt đầu phổ biễn dần, và có nhiều khả năng từng là dạng thường gặp nhất. Tuy nhiên hình thức này chưa phải là hoàn toàn phổ biến trong xá hội nông nghiệp, vì có những hình thức chính phủ, thông qua các phân nhóm củng cố bằng nghi thức, tồn tại theo kiểu có thể coi là giữ cân bằng quyền lực bên trong xã hội. Có một thứ trở nên phổ biến là phân cấp tổ chức, có thể nói một cách tóm lược là thời đó quá trình phân hóa và phân cấp cùng vận hành song song.

5. Thể chế quốc gia hiện hữu trong thời kỳ nông nghiệp ở nhiều mức độ khác nhau với đa số các xã hội. Phân hóa văn hóa cũng tương tự như vậy. Vì thế đã xuất hiện câu hỏi về mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và văn hóa. Nói một cách khác, vấn đề của chủ nghĩa dân tộc bắt đầu xuất hiện. Và đây là điều kiện hoàn hảo cho ai đó muốn đưa ra lý thuyết cho rằng thể chế chính trị hợp pháp là thể chế chiếm được thiện cảm của tất cả mọi thành viên, và kèm theo là chỉ tất cả mọi thành viên từ cùng một văn hóa đã định. Nói một cách đơn giản tức là Ruritania cho người Ruritania; tất cả dân Ruritania hãy liên kết vì đất tổ linh thiêng; và không có ai khác ngoài người Ruritania được chiếm nhiều không gian trên đất thánh Ruritania, trừ một số nhỏ những người khách biết cư xử tốt, biết địa vị của họ là khách, và không nắm giữ những vị trí chiến lược.

6. Khi đó có đủ điều kiện để tạo nên một lý thuyết như vậy. Có đủ giải pháp để mô hình hóa. Câu hỏi dẫn đến liên kết với chủ nghĩa dân tộc, tức là vấn đề về tính hợp pháp của quyền hành và hệ thống chính trị vẫn chưa được biết đến. Khi người ta bắt đầu sử dụng chữ viết thì tư tưởng về văn hóa lưu trữ cùng các nguyên tắc của nó bắt đầuxuất hiện và phát tán qua giáo dục khuôn mẫu. Và trên lý thuyết thì đã đủ điều kiện để tạo thành người theo chủ thuyết dân tộc. Thế nhưng họ lại không nổi bật, dù không hoàn toàn thiếu vắng, và ảnh hưởng rất lớn. Tại sao?

7. Xã hội nông nghiệp dựa trên mô hình sản xuất và lưu trữ lương thực, trên cơ sở kỹ thuật khá ổn định. Đây có thể được coi là định nghĩa khái quát về xã hội nông nghiệp. Giai đoạn này, như đã trình bày, có sự phân chia giữa xã hội được quốc gia hóa và xã hội vô quốc gia. Ngoài ra còn có một phân chia quan trọng nữa là giữa xã hội mù chữ và xã hội sử dụng ký tự. Loại thứ hai này lưu trữ không chỉ lợi tức mà còn cả tư tưởng nữa. Hay nói cách khác họ được trang bị kỹ thuật hùng mạnh để lưu trữ tư tưởng. Ngay cả trong trường hợp không viết xuống thì xã hội cũng có thể "làm đông lạnh" tư tưởng hay chí ít cũng là những câu cú qua lễ nghi thần chú - tạo thành tập hợp và trở thành tiêu chuẩn.

8. Trong xã hội nông nghiệp, sự bất biến của kỹ thuật - hay nói cách khác là tình trạng trì trệ - đã tạo nên khá nhiều hậu quả nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là không có biến chuyển nhảy vọt trong sản lượng. Cách tăng trưởng duy nhất là tăng lượng sử dụng hai nguồn cơ bản nhất trong quá trình sản xuất: sức lao động và đất đai. Nhưng đến một mức độ nào đó thì quá trình gia tăng này đi ngược lại qui luật tái tạo (Law of Diminishing Returns - càng tăng khai thác thì sản lượng càng kém). Nói một cách đơn giản, sản lượng của xã hội nông nghiệp bị giới hạn trong một khoảng (ex hypothesi) định trước bằng kỹ thuật, cũng như khu vực canh tác bằng kỹ thuật đó. Một cách nôm na tức là quá trình sản xuất luôn có mức trần dù dân số có tăng đến mức nào đi nữa. Đây là loại hình xã hội Malthus. Từ phân tích trên dẫn đến kết luận: mối tương quan giữa nhóm thành viên toàn quyền và các nhóm liên kết trong môi trường khó khăn về nguồn khai thác chính là mô hình trò chơi kinh tế không lợi nhuận, zero-sum game. Trong mối quan hệ này không ai có thể kiếm lợi mà không làm cho người khácbị thiệt một khoản tương ứng.

9. Xã hội nông nghiệp chính là quần thể Malthus: sự đòi hỏi từ lực lượng lao động và phòng vệ khiến họ đề cao giá trị của con cái, đặc biệt là con trai, còn kỹ thuật bất biến đặt giới hạn cho sản xuất. Và hai yếu tố này khi kết nối đã tạo nên đặc tính của Malthus: mức tăng trưởng lũy thừa của dân số gặp phải mức tăng trưởng kém của sản lượng khiến cho toàn thể xã hội không thoát ra xa khỏi điểm đói, tức là thời điểm mà xã hội không có đủ lương thực cho thành viên. Và cứ sau từng giai đoạn thì xã hội lại đối mặt với nạn đói, do mất mùa hoặc biến cố xã hội.


10. Nạn đói không tấn công ngẫu nhiên. Trong xã hội nông nghiệp dân chúng chết đói tùy theo đẳng cấp. Vì xã hội nông nghiệp là hệ thống sản xuất và lưu trữ lương thực cho nên các kho lương thực hay khu lưu trữ được canh gác, còn sản vật được phân chia theo đúng đặc quyền đã định của mỗi thành viên. Ở Bắc Phi tiếng địa phương đang gọi hoặc từng gọi quốc gia là Makhzen - từ cùng gốc với kho, chỗ chứa. Từ khóa này ủng hộ cho giả thuyết chính quyền là để kiểm soát khu lưu trữ, hay chính quyền chính là sự kiểm soát khu lưu trữ.

11. Trong môi trường đó, chiến lược hợp lý của mỗi cá nhân hay nhóm người là đặc biệt quan tâm đến vị trí hay đẳng cấp của mình trong hệ bậc xã hội, chứ không phải chú tâm tăng sản lượng. Chính chỗ đứng trong xã hội, thứ bậc và đặc quyền của quí vị sẽ quyết định số phận của quí vị. Sản vật vượt bực có vẻ chỉ thu hút sự chú ý của đám cướp hay ngành thuế. Điều này không cần thiết. Cũng có thể giấu mức thu hoạch thừa và dùng để gia tăng độ an toàn của người chủ hoặc mở rộng đường tiến. Thế nhưng đây là chuyện hiếm. Con đường dẫn từ quyền lực thành tài sản thường gặp hơn là từ tài sản thành quyền lực. Ở Tây Ban Nha thời Trung cổ có câu châm ngôn rằng binh nghiệp là con đường nhanh và sáng giá để làm giàu hơn là buôn bán. Phương thức này hầu như có thể tổng quát lên cho hầu hết mọi xã hội nông nghiệp.

12. Qui luật quan trọng và đầy thuyết phục trên được thể hiện qua hệ thống định giá trị đặc trưng của các xã hội nông nghiệp. Nói chung hệ thống này coi nhẹ lao động mà đề cao "uy tín" - honour. Vậy uy tín là gì? Đó là cảm giác sợ hãi trước vị trí mà người đó có được, trộn lẫn với văn hóa thiên bạo lực cũng như kỹ năng gây áp lực và đe dọa. Điều này trở thành giá trị chủ đạo trong tầng lớp lãnh đạo của xã hội nông nghiệp. Nói chung nguyên tắc này thiết lập nên tầng lớp phong kiễn, tức là khái niệm đặc biệt nằm giữa chuyện xác định tư cách thành viên của một nhóm mặc định - và quyền sở hữu, thể hiện qua giá trị tổng hợp lại thành "uy tín". Thông thường đây là sự phối hợp qua nhiều loại hình khác nhau giữa các giá trị Đỏ và giá trị Đen của giới tôn giáo. Áp lực phổ cập trong xã hội nông nghiệp đòi hỏi phải có kết hợp, mà sự kết hợp thì lệ thuộc vào các qui tắc thành luật về mối quan hệ - quí vị phải biết đang lập đảng với ai. Áp lực sẽ hoạt động tốt nếu các băng đảng áp lực được định nghĩa rõ ràng và kết hợp tốt, với điều kiện là cơ cấu quyền lực nội bộ được làm rõ. Để duy trì tư tưởng và nghi lễ của các nguyên tắc luật đó cho thành viên và giới lãnh đạo thì cần phải có chuyên viên - có thể kể ra giới linh mục, giáo sĩ hay loại hình tưng đương - và trong cơ cấu đó phe Đen muốn chia quyền lực với phe Đỏ trong xã hội nông nghiệp. Xã hội thời Phục Hưng ở Thế kỷ 18 về cơ bản dựa trên triết lý là bác bỏ mối quan hệ đó. Có thể nói thẳng ra là tham vọng muốn chứng kiến vị vua cuối cùng bị treo cổ cùng với bộ đồ lòng của vị giáo sĩ cuối cùng. Chính thời kỳ Phục Hưng đã thể hiện chính xác bản chất của thế giới mà nó đã loại bỏ. Thời đó đã nhầm lẫn khi cho rằng thế giới đầy bất công và cả tin vừa thoát ra đơn giản chính là hệ quả của sự ngu dốt của con người, hay nói cách khác là thiếu khai hóa. Bất kể là cảnh treo cổ hoàng gia cùng với bộ đồ lòng của giáo sĩ gây chú ý qua tranh vẽ, điều đó không chấm dứt được xã hội nông nghiệp cùng hệ thống giá trị và hoang tưởng của nó. Hệ thống này bắt nguồn từ chính qui luật của xã hội nông nghiệp, chứ không phải từ sự tăm tối của loài người, hay ít nhất không phải từ ngu dốt.

13. Vòng lặp căn bản mà xã hội nông nghiệp bị khóa bên trong như thế là hoàn thiện, và khó ai có thể vượt qua (trên thực tế thì chuyện đó đã xảy ra dù không ai biết chắc đã thực hiện như thế nào). Tình trạng nông nghiệp đặt ra các giá trị nhất định mà theo đó kìm hãm sự phát triển và tăng trưởng sản lượng. Chính logic của trạng thái không lợi nhuận chung zero-sum đã đặt ra các giá trị đó. Và vòng lặp này không có lối thoát (hoặc nếu theo quí vị muốn, đã có một lần thoát, nhưng chỉ xảy ra một lần mà thôi, một cách tình cờ).

14. Ở đây vấn đề làm chúng ta quan ngại chính là các hệ quả tác động lên mối quan hệ giữa tổ chức và văn hóa. Xã hội nông nghiệp có xu hướng tổ chức theo thứ bậc, mà mỗi tầng lớp, mỗi thành viên đều chăm chăm giữ chỗ cùng quyền hành, chú tâm làm khác mình với tầng lớp thấp hơn, vốn luôn ngoi lên giành chỗ khi có cơ hội. Trong khi đó tầng lớp thấp nhất trong xã hội này, còn gọi là những nông dân bình thường, thì cũng được xếp vào những cộng đồng làng xã địa phương. Chuyện di chuyển giữa các nhóm bị hạn chế, chủ yếu là vì nông dân gắn liền với đất đai, một cách chính thức hoặc không chính thức. Tình trạng này cho phép thiết lập kỷ luật và bảo đảm chuyện giao nộp mức sản phẩm thừa. Trật tự xã hội có thể bị phá nếu giới bần cố nông có thể di chuyển đi tìm các điền chủ rộng rãi hơn. Ở Tây Âu sự thiếu hụt nhân lực sau đại dịch Black Death đã khiến giảm bớt mức độ hà khắc đối với nông nô. Nạn dịch khiến cho giới thống trị phải xử phạt nhẹ tay với tầng lớp dưới, cũng như phải động viên họ ở lại.

15. Nhìn chung thì về mặt giá trị, xã hội nông nghiệp không hề công bằng. Thậm chí xã hội nông nghiệp còn đề cao sự bất bình đẳng và che giấu ngăn ngừa quá trình dịch chuyển vị trí trong xã hội - một điều mà xã hội chúng ta đang sống có xu hướng làm ngược lại. Có vẻ như có thể áp dụng một qui luật phát triển đơn giản cho thời bấy giờ: càng đa dạng và càng "phát triển bao nhiêu thì càng bất công bấy nhiêu" (cf. Lenski 1965:43). Và mọi chuyện cứ như thế cho đến thời hiện đại. Thời này, với một số lý do sẽ được bàn đến sau, sẽ bảo tồn xu hướng đó đồng thời với việc, qua một số lý do có liên quan, tạo ra chủ nghĩa dân tộc.

16. thôi lười rồi, chắc năm sau sẽ dịch tiếp vậy.
16. Xã hội nông nghiệp khuyến khích khác biệt văn hóa bên trong. Các khác biệt đó giúp rất nhiều trong vận hành hàng ngày. Xã hội nông nghiệp cần duy trì một hệ thống phức tạp của thứ bậc, và điều quan trọng là các thứ bậc đó cần phải được cảm nhận và hiện diện, rằng đang tồn tại cả bên trong lẫn bên ngoài. Nếu thứ bậc được thể hiện rõ qua mọi biểu hiện giao tiếp bên ngoài, qua quần áo, quan hệ, giọng nói, dáng điệu cơ thể, mức độ giới hạn tiêu dùng và tương tự. vậy, điều này loại trừ những điều thiếu rõ ràng và giảm ma sát. Nếu vị trí, quyền lợi và nghĩa vụ của một ngườI trở thành một phần của tâm hồn, niềm tự hào, thì điều này một lần nữa sẽ lại giúp duy trì kỷ luật xã hội. Tác phẩm cổ điển về lý thuyết xã hội cho xã hội nông nghiệp là Republic của Plato trên thực tế định nghĩa đạo đức chính bằng cách đó: đạo đức bao gồm mỗi thành phần trong cấu trúc xã hội thể hiện nhiệm vụ được giao, hơn là gì khác.

17. Điều này dẫn đến phác thảo chính về vai trò của văn hóa trong xã hội nông ngihệp: chức năng chính là tăng cường, nhấn mạnh và thể hiện hệ thống vị trí thức bậc trông thấy và quyền lực của trật tự xã hội đó. (Khác biệt giữa các thành viên trong chuỗi sản xuất thực phẩm có vai trò khác hơn một chút trong việc giúp gắn bó các thành viên vào cộng đồng.) Cần ghi chú rằng nếu đây là vai trò cơ bản của văn hóa trong một xã hội như vậy thì nó không thể đồng thời giữ một vai trò khác: kể ra, là đánh dấu ranh giới giữa các vương quốc.

18. Đây chính là lý do cơ bản tại sao chủ nghĩa dân tộc – tư tưởng về một cơ quan chính trị hợp pháp được lập ra cho các thành viên vô danh của cùng một văn hóa – không thể dễ dàng hoạt động trong xã hội nông nghiệp. Tư tưởng này trái ngược sâu đậm với nguyên tắc tổ chức chính của nó, thể hiện vị trí qua văn hóa. Văn hóa này không chuyển vận và vô danh, mà giữ các thành viên ở tại “chỗ” của mình, và các nơi chốn đó được khắc họa bằng khác biệt văn hóa. Tương đồng văn hóa không thể làm tiền đề cho một kết gắn chính trị bên trong đó được: thường là các khác biệt văn hóa thể hiện ra bên ngoài bằng liên kết và lệ thuộc xã hội. Trong bối cảnh như vậy, khác biệt văn hóa thường tạo ra hoặc tăng cường đoàn kết chính trị. Đơn vị chính trị cá biệt của thời đại nông ngihệp thường nói chung là nhỏ hơn nhiều so với giới hạn do văn hóa đặt ra – các công quốc thành thị, các cộng đồng làng xã, các nhóm bộ tộc - hoặc lớn hơn rất nhiều: các đế quốc chọn lựa bằng văn hóa vốn không có lý do gì để giới hạn sự bành trướng khi gặp biên giới ngôn ngữ hay văn hóa (nằm ngoài mối quan tâm, và khác biệt). Đơn vị chính trị cá biệt nhất của thời nông nghiệp có thiên hướng tận dụng cả hai: một đế quốc liên sắc tộc có thể thống trị các cộng đồng sắc tộc bên dưới, được dùng như là cơ quan địa phương, ngườI thu thuế và người đại diện.

Nhưng có lẽ tới đây là đủ, còn vài paragraph nữa nhưng nói về bạo lực (cách mạng), hi hi.

No comments: