Wednesday, April 1, 2009

Ky uc va Van hoa

Ký ức và Văn hóa
Andrzej Szpocinski [1], Lê Hải dịch

Nhiều ngành cùng quan tâm đến quá khứ: lịch sử, xã hội học, nhân học, các ngành nghiên cứu văn hóa, mỗi ngành đều có lối tiếp cận đặc trưng đối với hiện tượng này. Có thể giản lược hóa khác biệt giữa các trường phái xuống thành hai góc nhìn chính: quan điểm của sử gia và quan điểm của nhà xã hội học.

Với sử gia, vấn đề quan trọng nhất là câu hỏi về sự thật lịch sử, xác định xem "chuyện gì" đã xảy ra trong quá khứ và diễn ra "như thế nào". Thường thì bản thân sự thật lịch sử cũng rất nhiều tầng lớp bộ phận chứ không chỉ đơn giản là một điểm nào đó. Đây cũng chính là khủng hoảng về epistemology của hiện thực, tức ngày nay người ta dần xa rời quan điểm cho rằng có tồn tại một sự thật về bức tranh thế giới mà ngôn ngữ có khả năng thể hiện cấu trúc của nó. Trong mô hình mới của lịch sử không còn chú ý nhiều đến cấu trúc logic mang tính giải nghĩa (nhằm mục tiêu tiếp cận dần với sự thật), mà tập trung nhiều vào câu chuyện - narrative, và cấu trúc tu từ. Khi đó historia rerum gestarum được coi như là tập hợp của nhiều câu chuyện/văn bản/narrative khác nhau, cùng liên quan với nhau, hơn là liên quan đến thực tại. Về cơ bản, sự thật là tiêu chí chủ yếu để phân biện giữa câu chuyện lịch sử và tiểu thuyết văn học hư cấu.
Trong câu chuyện lịch sử luôn phải có sự hiện diện của các giá trị mang tính chỉ dẫn đến nguồn và thực tại bên ngoài văn bản. Sử gia, nếu không muốn vượt qua ranh giới giữa sử học và văn học, thì không thể đưa các giá trị chỉ dẫn vào nếu không có cơ sở cho nó. Nói một cách khác, lối tiếp cận của sử gia có đặc điểm là, khi gặp bất kỳ thông tin nào về quá khứ, thì câu hỏi quan trọng nhất là thông tin đó, theo các qui tắc được chấp nhận trong nền văn hóa đó, có cho chúng ta biết sự thật về quá khứ hay không. Vấn đề qui tắc văn hóa, hay câu hỏi "viết sử như thế nào" chính là thành tố văn hóa lịch sử quan trọng của cả một thời kỳ và xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn nhất và cũng là đề tài nghiên cứu được chú ý nhất hiện nay.

Với nhà xã hội học, cách nhìn hoàn toàn khác. Tất cả những lời kể về quá khứ đều được coi là các thành phần văn hóa của nhóm, mà bằng cách này hay cách khác đã thử ghi nhớ lại quá khứ. Khi đề cập đến văn hóa, đến những thể hiện của thời gian và hệ giá trị, đến vị trí của các nhóm riêng biệt trong cơ cấu xã hội và quan hệ giữa các nhóm với nhau, đến những cơ quan cụ thể, nơi thực hiện sự tiếp biến kiến thức và lòng tin, nhà xã hội học sẽ tìm cách giải thích sự khác biệt trong cách đề cập đến quá khứ trong những nền văn hóa và xã hội khác nhau, và bên trong đó là những nhóm, giai cấp và tầng lớp khác nhau. Nhà xã hội học ít chú ý đến chuyện các lời kể về quá khứ đúng hay sai. Nếu có quan tâm đến điều đó thì cũng bằng phương pháp riêng biệt: sẽ hỏi xem có hay không, và ở mức độ như thế nào một nhóm xã hội tin vào sự xác thực của các lời kể về quá khứ, sẽ trở thành điều kiện không thể thiếu để quá khứ có thể giữ một chức năng xã hội nào hay không, cũng như là về chuyện ai (cơ quan nào) sẽ có quyền đưa ra ý kiến có liên quan tới vấn đề đó.

Với tôi, khái quát hết mức các cách tiếp cận quá khứ thành hai quan điểm đại diện như vừa trình bày là nhằm để tạo cơ sở phân tích cho các vấn đề đang nghiên cứu (hình ảnh quá khứ được tạo dựng lại/tường thuật qua các bản tin radio). Các tường thuật về quá khứ được coi trước hết là tư liệu về tình trạng của nền văn hóa hiện đại. Cách giải thích sự kiện và con người "từ quá khứ", cũng như vị trí mà quá khứ giữ trong thế giới hiện đại được coi như là biểu hiện của những hiện tượng văn hóa rộng hơn, và cũng thường tiềm ẩn hơn. Một trong những vấn đề đáng chú ý chính là vai trò của quá khứ trong việc gìn giữ (hay làm suy yếu) các cảm giác phụ thuộc vào cộng đồng xã hội ở nhiều tầng mức khác nhau (địa phương, quốc gia, và vượt khỏi tầm quốc gia).

Chú thích:
[1] Tác giả là nhà xã hội học chuyên nghiên cứu văn hóa điền dã. Phần khái quát về quan điểm sử học dùng hệ thống do Topolski trình bày trong tác phẩm được Oficyna xuất bản ở Warszawa năm 1996: "Viết và hiểu lịch sử như thế nào. Bí mật của narrative lịch sử". Narrative - có thể tạm hiểu là câu chuyện, cốt truyện là xu hướng đương đại của ngành sử học. Trong bản gốc có 2 chú thích, đều được đưa vào trong bài dịch. Đây chỉ là 1 trích đoạn trong bài essay của Andrzej Szpocinski về hệ thống tọa độ thế giới xã hội do một nhánh truyền thông là các đài phát thanh tiêu biểu ở Ba Lan tạo dựng ra.

2 comments:

Chi said...

Đề nghị tiếp tục được không ạ!

Quach Hien said...

Anh ạ, em rất quan tâm đến vấn đề quyền lực của sử gia thời trung đại ở phương Đông nên những dạng bài về sử gia như thế này em rất quan tâm. Nếu lúc nào anh có chút thời gian rảnh, anh viết thêm về vấn đề này nữa, được không ạ?