Friday, February 4, 2011

dan toc bieu tuong

Viết sử dân tộc qua biểu tượng

Anthony Smith 2009, Lê Hải dịch [1]

Mục tiêu của cuốn sách này là đưa ra một tuyên ngôn ngắn mà đầy đủ về phương pháp tiếp cận dân tộc biểu tượng (ethno-symbolic) trong nghiên cứu các quốc gia và dân tộc. Nó nhắm đến việc trình bày cơ sở lý thuyết của quá trình hình thành, các mặc định và quan tâm chính, và phân tích về quá trình hình thành các quốc gia, sự bền vững và thay đổi và vai trò của chủ nghĩa quốc gia. Cùng lúc sách cũng chứa một xác nhận chung cho đóng góp của tôi vào lối tiếp cận này và áp dụng cho các vấn đề trung tâm của các quốc gia và chủ nghĩa quốc gia.

“Trường phái dân tộc biểu tượng” không đòi hỏi trở thành một lý thuyết khoa học. Nên coi đây là một thế giới quan riêng cho, và chương trình nghiên cứu để, nghiên cứu các quốc gia và chủ nghĩa quốc gia. Trên thực tế, tên gọi hình thành một cách tình cờ, phát xuất từ các trao đổi tại Đại học kinh tế chính trị London (LSE) vào cuối thập niên 1980s về bản chất tự nhiên của các nhóm dân tộc và các quốc gia, và nhu cầu phảI khảo sát các chều biểu tượng của họ.

Các thành phần biểu tượng của dân tộc

Trong chương trước, tôi đã lập luận rằng tâm điểm các mối quan tâm của trường phái dân tộc-biểu tượng là nhu cầu hiểu “thế giới bên trong” của dân tộc và chủ nghĩa quốc gia thông qua phân tích các thành phần biểu tượng và hệ trục chủ quan. Các nét sơ khai của mối quan tâm này xuất hiện trong tác phẩm Các quốc gia trước khi có Chủ nghĩa quốc gia (Nations before Nationalism) của John Armstrong (1982). Trong bộ sách phục vụ thảo luận đó, ông lập luận rằng sự bền vững của các bản sắc dân tộc và các quốc gia thậm chí đáng kể hơn các thay đổi mà họ đang trải qua, và rằng vì lẽ đó chúng ta cần tập trung vào vùng biên biểu tượng tách rời họ khỏi láng giềng. Theo bước tiên khởi của Fredrik Barth, Armstrong cho rằng vùng biên xã hội của nhóm bền hơn quan niệm văn hóa của các thành viên và các tính chất đính kèm. “Tính dân tộc” bản thân từng được hiểu theo lối hiện tượng luận như một nhóm các thuộc tính, tâm tư hay quan niệm thay đổi. Vì vậy cần phải tính đến độ bền của các nhóm dân tộc trong qui mô của các cơ chế tạo biên biểu tượng như là từ, chữ, ngôn ngữ, quần áo và kiến trúc, phương pháp mà tầng lớp cao chuyển tải biểu tượng, và các kết cấu huyền thoại thành công mà bên trong có chứa các biểu tượng đó. Huyền thoại, biểu tượng và giao tiếp - phức hệ của huyền thoại và biểu tượng – cung cấp các công cụ khái niệm cần thiết để phân tích các nhóm dân tộc và các quốc gia theo chiều dài lịch sử (longue durée), cũng như để tóm bắt chức năng trọng tâm của động cơ huyền thoại (mythomoteurs) - tổ hợp các huyền thoại tạo dựng ra một thể chế dân tộc - bảo đảm sự bền vững lâu dài cho các bản sắc dân tộc. (Đọc thêm các sách của Armstrong xuất bản năm 1982 và 1995, cũng như Barth năm 1969, và tranh luận trong chương 8 của sách A.D. Smith xuất bản năm 1998)

Sau đó không lâu, tác phẩm Động lực học của Chủ nghĩa quốc gia văn hóa (Dynamics of Cultural Nationalism) của John Hutchinson (1987) cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các yếu tố văn hóa dài hạn trong lý giải về sự gia tăng của các phong trào quốc gia. Trong các trường hợp như là Ireland chúng ta có thể phân biệt diễn biến song song của hai loại hình phong trào quốc gia, thứ nhất là mang tính chính trị và nhắm đến nhà nước và chủ quyền, còn thứ hai là mang tính văn hóa và quan tâm nhiều hơn đến tái tạo đạo đức cho cộng đồng dân tộc và việc thiết lập một quốc gia tự tồn tại. Trong các trường hợp này vai trò của giới tri thức cổ xúy tư tưởng quốc gia văn hóa là tối cần thiết trong quá trình định nghĩa và hồi phục cộng đồng dân tộc [2] thông qua việc tái phát hiện các huyền thoại cổ xưa, các biểu tượng và ký ức, và thường hoạt động song hành với tư tưởng quốc gia chính trị, hay một dạng thay thế khi hình thức kia không đạt được mục tiêu. Nhìn theo cách này thì các nhà hoạt động theo chủ nghĩa quốc gia văn hóa cũng là những người “xây dựng quốc gia” như bất kể nhà hoạt động theo chủ nghĩa quốc gia chính trị nào hướng tới việc thành lập nhà nước. (Xem thêm các sách của Hutchinson xuất bản năm 1987, 1992 và 1994)

Huyền thoại, biểu tượng, ký ức và giá trị cũng chiếm vị trí trung tâm trong các xây dựng của riêng tôi. Ban đầu tôi quan tâm tới nhiều định hướng khác nhau – người phát động tân truyền thống, người cổ xúy đồng hóa và người theo hướng cải tổ - trong giới tri thức [3] trong quá trình hình thành các phong trào quốc gia, và cách họ phản ứng với các thách thức từ “nhà nước khoa học” với tôn giáo. Nhưng trong tác phẩm Sự hồi sinh của dân tộc (The Ethnic Revival 1981) tôi bắt đầu đặt vị trí của các quốc gia và chủ nghĩa quốc gia trong một bối cảnh lịch sử rộng hơn, và như John Armstrong, lập luận về nhu cầu cần phân tích các nguồn gốc dân tộc lâu dài của họ. Trong tác phẩm Các nguồn gốc dân tộc của các quốc gia (The Ethnic Origins of Nations 1986) tôi thu nhận khái niệm của Armstrong về ‘phức hệ huyền thoại và biểu tượng’ và tập trung vào vai trò của các cộng đồng dân tộc (ethnie) trong sự hình thành của các quốc gia, ủng hộ nhu cầu kiểm tra các biểu tượng, huyền thoại, ký ức và giá trị cá nhân mà họ lấy làm cơ sở, những động cơ huyền thoại (mythomoteurs) chống đỡ cho các thể chế của họ, và các loại hình cộng đồng dân tộc khác nhau tạo nền cho sự hình thành quốc gia sau đó - chủ đề mà tôi sẽ quay lại. (Xem thêm sách của Smith xuất bản năm 1983, đặc biệt là chương 10, cùng các tác phẩm năm 1981 và 1986)

Hệ quả của tất cả điều này là, ngược với thành ngữ tiếng Anh đặt “biểu tượng” trong thế (đơn giản là) ngược với “thực tại”, các nhà dân tộc biểu tượng học nay tuyên bố rằng các thành phần văn hóa này cũng là một phần của thực tại xã hội như bất kỳ vật chất hay các yếu tố tổ chức nào; hơn vậy, thực tại xã hội không thể hiểu được bên ngoài hệ tư tưởng biểu tượng. Và nếu các nhà dân tộc biểu tượng nhấn mạnh đến các yếu tố văn hóa đó, thì theo quan điểm của họ sự chuyển đổi cân bằng đã bị xáo trộn từ các hệ thống đã chuyển “biểu tượng” sang siêu kết cấu hay thậm chí hiện tượng phụ, làm tổn hại sự thông hiểu đầy đủ hơn và có sắc thái về dân tộc, các quốc gia và chủ nghĩa quốc gia.

Vượt quá các diễn giải chung vừa trình bày, các nhà dân tộc biểu tượng học coi các thành phần văn hóa như biểu tượng, huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống là tối quan trọng trong phân tích về dân tộc, các quốc gia và các chủ nghĩa quốc gia. Có nhiều lý do cho điều đó. Đầu tiên, các tổ hợp khác nhau của những phần tử này đã giữ vai trò, và tiếp tục giữ vai trò sống còn trong quá trình tạo ra các kết cấu xã hội và các văn hóa, định nghĩa và chính danh hóa các quan hệ của các khu vực, nhóm và cơ quan khác nhau trong một cộng đồng. Bằng các phương pháp đó, họ bảo đảm một mức độ nhận thức chung, nếu không phải là dính liền, ngay cả trong các giai đoạn khủng hoảng và thay đổi nhanh chóng, và ngay cả khi một số huyền thoại, biểu tượng và truyền thống tiên khởi bị thay đổi hay bác bỏ, như từng xuất hiện trong các cuộc Cách mạng Pháp, Nga và Trung Quốc. Thứ hai, cũng những phần tử văn hóa đó để lại cho mỗi cộng đồng một tổ hợp trình diễn trong ngôn ngữ, tôn giáo, các phong tục và các cơ chế, vốn giúp phân biệt với các cộng đồng tương tự khác trong mắt cả thành viên lẫn người bên ngoài, và tăng vai trò của cộng đồng và làm sắc nét ranh giới xã hội và sự đối lập với bên ngoài, như là ranh giới tiếp tục định nghĩa cộng đồng và phân chia “chúng ta” với “họ”. Cuối cùng, các giá trị, các ký ức, các nghi lễ và các truyền thống được chia sẻ giúp củng cố một ý niệm liên tục với các thế hệ quá khứ của cộng đồng - một tình cảm được tăng cường nhờ sự chấp nhận rộng rãi của các biểu tượng tập thể như cờ, quốc ca hay ngày nghỉ lễ mà ý nghĩa có thể thay đổi theo thời gian nhưng hình thức gần như là cố định. Các biểu tượng đó đặc biệt quan trọng trong lễ hội và nghi thức của văn hóa công cộng, vốn giúp thiết lập và giữ vững các liên kết cộng đồng và ý niệm về bản sắc dân tộc. (Về các biểu tượng dân tộc ở Israel có thể đọc sách của Gal xuất bản năm 2007, về tư tưởng biểu tượng nói chung đọc Roshwald năm 2006, và với các biểu tượng của các nước châu Ấu, đặc biệt là cờ và ngày lễ quốc gia, đọc Elgenius 2005)

Nhờ tập trung vào “thế giới biểu tượng”, theo một số cấp độ có thể bước vào “thế giới nội tại” của các thành viên các cộng đồng dân tộc và các quốc gia, và những người tham gia vào các phong trào quốc gia, cho phép chúng ta ghi nhận đầy đủ hơn và cân bằng hơn về các hiện tượng đó. Các phân tích của các nhà hiện đại học rất thường nhận dạng các điều kiện kết cấu nào khuyến khích sự tăng trưởng của các quốc gia và/hoặc các chủ nghĩa quốc gia, nhưng ngưng không nói gì thêm về nội dung của các tư tưởng quốc gia và các phong trào hay hình dạng riêng biệt của các quốc gia, hay hơn nữa các sắc dân hay nhóm nào nhiều khả năng sẽ trở thành các quốc gia hiện đại. Để trả lời các câu hỏi đó, chúng ta phải cố gắng đánh giá tiếng nói của các chủ đề khác nhau – các huyền thoại, các ký ức, các biểu tượng, các giá trị và tương tự - với các tầng lớp khác nhau trong dân chúng, và các lý do cho mối quan hệ này, không chỉ về các lợi ích và nhu cầu vật chất mà còn viễn kiến và khát vọng, mức độ thân thuộc của các khái niệm được sử dụng, các truyền thống dân gian, phong tục và tương tự. Cho nên có nhu cầu bổ sung các phân tích kết cấu bằng một tìm hiểu trong thế giới văn hóa và biểu tượng của dân tộc tính và quốc gia tính.

Mối quan tâm này với thế giới biểu tượng có lúc được mô tả như một lối tiếp cận “chủ quan”, ví dụ như một trong số các điểm tập trung chủ yếu vào cảm giác và tính cách của người ta, cho đến sự loại trừ của các yếu tố được coi là “khách quan”. Điều đó rất xa sự thật. Không rõ mối phân chia trước đây về các yếu tố chủ quan và khách quan có còn giá trị diễn giải hay không, khi mà rất nhiều hướng đi và thành phần được đưa vào bất kỳ xem xét nào đều có cả hai dạng thức đó, ví dụ như chúng ta nên xếp “truyền thống” hay “nhu cầu vai vế” vào nhóm khách quan hay chủ quan? Trong bất kỳ trường hợp nào thì các tiếp cận dân tộc biểu tượng đều luôn vượt qua ranh giới (ước định) giữa chúng, và các khái niệm được vận dụng có thể được coi là cùng lúc “khách quan” và “chủ quan”. Với các nhà dân tộc biểu tượng học, văn hóa – và văn hóa trong mối quan hệ với chính trị - là trung tâm, không phải các cảm giác hay tính cách chủ quan. Và “văn hóa” được hiểu nhiều hơn là các ý tưởng hay lý tưởng, vấn đề mà tôi sẽ quay trở lại trong chương 6.

Lịch sử văn hóa của quốc gia

Bất kể trong trạng thái tái chấp nhận, tiếp tục hay tái xuất, mối quan hệ giữa quá khứ hay các quá khứ dân tộc với hiện tại quốc gia là tâm điểm cho các mối quan tâm của hệ tư duy dân tộc biểu tượng. Đó là tại sao phân tích lịch sử cả một giai đoạn dài là không thể thiếu để điều tra các sắc thái, hình dạng và độ bền của các quốc gia và chủ nghĩa quốc gia, và tại sao sự lệ thuộc của trường phái hiện đại và một giai đoạn hiện đại duy nhất trong nghiên cứu lại giới hạn và đại khái đến bất ngờ. Ngay cả khi chúng ta nhận rằng cộng đồng quốc gia đang nghiên cứu xuất hiện chỉ trong thời hiện đại, chúng ta vẫn phải khảo sát dân tộc và các tiền đề văn hóa của nó, và các mô hình của cộng đồng xã hội và biểu tượng mà một số thành viên của nó hướng tới, nếu chúng ta muốn đưa ra một giải thích tròn trịa và hài lòng hơn về các mặt văn hóa riêng biệt và vị trí địa lý văn hóa mà nó chiếm giữ trong mối quan hệ với các cộng đồng khác.

Cho nên, nhiệm vụ lý thuyết chính của một phân tích dân tộc biểu tượng là cho ra một lịch sử văn hóa của quốc gia như một loại hình của cộng đồng văn hóa lịch sử. Tôi nói vậy có nghĩa là một khảo sát vào các hình ảnh tự thân về văn hóa và xã hội thành công và ý niệm về bản sắc, các mâu thuẫn tư tưởng và thay đổi xã hội của một nhóm dân được định nghĩa bằng văn hóa trong một khu vực nhất định và/hoặc thể chế. Những hình ảnh về bản thân đó, bản sắc, mâu thuẫn và thay đổi phát xuất từ cuộc chơi giữa các công trình chính trị và văn hóa cạnh tranh từ các giai cấp khác nhau, các tuyên ngôn tôn giáo và các nhóm dân tộc trong một khu vực đã định và quần thể và/hoặc thể chế, cũng như ảnh hưởng chính trị của các sự kiện và tập thể bên ngoài, đặc biệt là, nhưng không hề mang tính loại trừ, trong thời hiện đại của chủ nghĩa quốc gia. Họ cũng phụ thuộc nhiều vào các loại hình khác nhau của văn hóa công chúng riêng biệt - cấu trúc trên dưới, đồng thuận và dân sự cộng hòa - vốn phát xuất từ các mô hình văn hóa công cộng trong thế giới cổ đại và hình thành trong lịch sử nên cấu trúc xã hội và chính trị của các cộng đồng ngày càng “quốc gia” từ giữa thời Trung Cổ cho đến hiện tại. Như kết quả của cuộc chơi phức tạp này giữa các yếu tố và mô hình, chúng ta thường thấy hai hay nhiều hơn viễn kiến về vận số của dân tộc cạnh tranh cho ảnh hưởng chính trị tại bất kỳ thời điểm nào trong thời gian, với các thành viên của cộng đồng tìm về các thời đại vàng khác nhau và các loại văn hóa công chúng khác nhau, đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng và được coi là suy thoái, và đề nghị các công trình khác và thậm chí ngược lại để phục hồi quốc gia. Trường hợp như vậy có thể giải quyết bằng cách bỏ một công trình cạnh tranh, có thể qua cách mạng của một loại khác, hay quá trình cải tổ xã hội và văn hóa và phục hồi đạo đức vốn thường tham gia loại hình lắp ghép nhất định dựa trên lựa chọn và tái giải thích các truyền thống nhận được. (Để có thêm bàn luận đầy đủ hơn về ba loại văn hóa công cộng tách biện tìm đọc sách của A.D. Smith xuất bản năm 2008, chương 4-7, cũng như Hutchinson năm 2005 chương 3 về khái niệm “các cuộc chiến văn hóa” quốc gia)

Các diễn giải vừa rồi cho phép chúng ta lên sơ đồ các bước ghi chép theo phương pháp dân tộc biểu tượng cho các quốc gia và chủ nghĩa quốc gia, mà tôi sẽ mô tả chi tiết sau. Bắt đầu từ các cơ sở dân tộc được hình thành từ cuộc chơi của các mối quan hệ huyết thống, văn hóa và hoạt động chính trị, một lịch sử văn hóa của quốc gia đầu tiên cần tìm cách lần theo các quá trình xã hội và biểu tượng trong quá trình hình thành, trước khi tiếp tục phân biệt các loại cộng đồng quốc gia khác nhau và các con đường [4] hình thành quốc gia khác nhau, cũng như là các giai đoạn kế tiếp. Và rồi có thể khảo sát vai trò của các loại hình chủ nghĩa quốc gia khác nhau, như một diễn biến tư tưởng trong vận động quần chúng và tạo dáng các quốc gia tách biệt, cũng như là phần đóng góp của giới tri thức và chuyên viên theo tư tưởng quốc gia trong quá trình này. Cuối cùng, điều này có thể kéo theo cuộc điều tra các lực tạo ra độ bền vững và thay đổi của các quốc gia, đặc biệt là trong thế giới hiện đại. Nghiên cứu đó sẽ cần phân tích các nguồn văn hóa và tôn giáo nền tảng của quốc gia, cũng như các mâu thuẫn giữa các tầng lớp cao là những người đưa ra các câu chuyện dân tộc lịch sử khác nhau và tìm cách thực hiện các công trình thường đối lập nhau về tái lập quốc gia và “vận mệnh quốc gia” đại diện cho “nhân dân”.

Điều này như vậy sẽ tạo ra các vấn đề nối tiếp làm cơ sở cho ba chương tiếp theo, mà chương đầu tiên sẽ dành cho sự hình thành của các quốc gia, chương hai là vai trò của chủ nghĩa dân tộc, và chương ba là sự bền vững, thay đổi và các nguồn lực của quốc gia. Một lần nữa, cần nhấn mạnh đến lợi ích và giới hạn của lối tiếp cận như vậy. Giải pháp này không hề nhằm thay thế lối viết sử tiêu chuẩn của trường phái hiện đại, mà tập trung vào các thành phần biểu tượng và xã hội để tìm cách bổ sung và nơi cần thiết thì điều chỉnh các mô hình chính trị và kinh tế phổ biến từ trước do trường phái hiện đại đưa ra. Nói cách khác, lối tiếp cận này nhằm tiếp nối từ nơi mà các lối viết sử qui ước dừng lại, và cung cấp thêm các chiều văn hóa và biểu tượng mà họ thường bỏ qua. Điều thường khiến tạo cảm giác rằng rất nhiều sách sử hiện đại không bao giờ đến được mục tiêu vì họ không thể vào được “thế giới bên trong” của các thành viên của cộng đồng quốc gia. Đó chính xác là điều mà lịch sử văn hóa của quốc gia, mà trường phái dân tộc biểu tượng mời chào, muốn làm tốt.

[1] Trích dịch từ quyển Ethno-Symbolism and Nationalism: A cultural approach, Rotledge xuất bản năm 2009, trang 1 (2 đoạn đầu) và 22-26 (mục Các phần biểu tượng của dân tộc) và 38-39 (mục Lịch sử văn hóa của quốc gia). Tựa đề do người dịch đặt, lắp ghép các phần nhằm giới thiệu những điểm chính trong hệ thống lý thuyết mà Anthony Smith đã xây dựng từ thập niên 1980s, hiện đang tiếp tục ảnh hưởng mạnh trên thế giới. Để phân biệt từ gốc tiếng Anh thì những khái niệm có liên quan tới ethnie sẽ được dịch là dân tộc, còn nation là quốc gia. Khái niệm chủ nghĩa quốc gia hay tư tưởng quốc gia đều là cùng từ chữ tiếng Anh nationalism mà ở nơi khác và thông thường người dịch vẫn gọi là chủ nghĩa dân tộc, như trong bài tổng quan về chủ nghĩa dân tộc trên tạp chí Talawas mùa thu 2009 có thể truy cập qua địa chỉ mạng http://www.tapchitalawas.org/pdf/talawas_tapchi_muathu09_LeHai.pdf. Các chú thích bên dưới tiếp theo cũng là của người dịch, còn chú thích trong bản gốc được đặt trong ngoặc đơn nối vào phần văn bản chính.

[2] Tiến trình này đang diễn ra ở Việt Nam như mô tả của Lương Văn Hy trong bài viết Tái cơ cấu tư tưởng quốc gia Việt Nam 1954-2006 (Restructuring Vietnamese nationalism 1954-2006) đăng trên tạp chí Pacific Affairs của đại học British Columbia số 80, tập thứ 3 mùa thu năm 2007, trang 439-453. Bản tiếng Anh trên mạng có thể truy cập ở địa chỉ http://pacificaffairs.ubc.ca/pdfs/luong.pdf. Tư tưởng quốc gia văn hóa thể hiện ra qua các hoạt động của nhà cầm quyền, từ thay đổi luật lệ cho đến tổ chức lễ hội văn hóa cổ truyền thay vì cấm cản và đối lập như trước kia. Cũng theo đó thì chủ nghĩa quốc gia không chỉ đơn giản là cặp song hành của hai sắc thái chính trị và văn hóa như trình bày, mà xu hướng thế giới trong vài thập niên qua là chuyển từ chủ nghĩa quốc gia phát triển (developmental nationalism) sang chủ nghĩa quốc gia văn hóa (cultural nationalism) trong diễn biến động lực học tái cấu trúc (dynamics of restructuring). GS Lương Văn Hy sinh ở Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn, cựu học sinh Petrus Ký, du học Mỹ từ 1971 theo ngành nhân học, cử nhân Berkeley năm 1974 và tiến sĩ Harward năm 1981. Từ thập niên 1990 dạy ở đại học Toronto, Canada và có nhiều đóng góp cho khoa nhân học tại đại học KHXHNV tp.HCM, được đại học quốc gia tp.HCM phong Giáo sư danh dự năm 2006.

[3] Giải pháp phân loại giới trí thức được Claire Sutherland áp dụng để phân tích lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20, như trong bài viết Chiến trường khái niệm: chủ nghĩa quốc gia của Việt Nam trong thế kỷ 20 (Conceptual combat: Twentieth century Vietnamese nationalism) in trong tập 2 của bộ sách Nationalism: Across the Globe do Cao đẳng báo chí và các ngành nhân văn ở Poznan, Ba Lan xuất bản năm 2005. Bài viết giải thích rõ hơn về ba dạng tri thức mà A.D. Smith đã phác thảo trong tập sách xuất bản năm 1981, rằng “nhóm tân cổ điển (neo-traditionalist) muốn tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật nhưng không kèm theo hệ thống triết học của nó, đơn giản là dùng các phương pháp hiện đại để đạt mục tiêu truyền thống và tôn giáo. Nhóm đồng hóa (assimilationist) thì lại hết lòng tiếp nhận tư duy hợp lý (rationalism) và khoa học cùng với các mục tiêu hiện đại hóa phổ biến. Theo thời gian khi tham vọng của họ ở xã hội phương Tây phát triển mà họ ngưỡng mộ không thành và khoảng cách lớn giữa các truyền thống cộng đồng khác biệt trở nên rõ ràng, thì họ không còn lựa chọn nào khác hơn là tự giới hạn với quê nhà. Cuối cùng là nhóm cải tổ (reformist – theo hướng triệt để radicalism) muốn hiện đại hóa tôn giáo bằng cách bỏ bớt các phát triển không hay, cùng với lòng tin của họ trong cả hệ thống thần thánh và nhà nước khoa học như ’chính danh đôi’ nguồn song hành của chính quyền trong thế giới hiện đại” (trích dịch từ bài viết đã dẫn của Sutherland, trang 327). Theo đó lực lượng Việt Minh và Hồ Chí Minh có thể được xếp vào nhóm cổ xúy đồng hóa với phương Tây theo phân loại của Smith, hiệu quả hơn các nhóm tương tự như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Nguyễn An Ninh. Các giáo phái Phật giáo nam bộ thì mang nhiều dáng dấp của tư tưởng tân cổ điển, cũng giống như các nhóm ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại sau thế hệ đầu tiên của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, và phần nào là cả Phạm Quỳnh nữa. TS Clair Sutherland dạy ở đại học Durham, Anh quốc, từng có 2 năm sống ở Việt Nam để nghiên cứu và viết luận văn. Cuốn sách mới nhất của cô so sánh quá trình thống nhất đất nước của Việt Nam và Đức Soldered states: nation-building in Germany and Vietnam được NXB đại học Manchester xuất bản năm 2010.

[4] Các con đường hình thành quốc gia (nation formation) khái quát từ các trường hợp châu Âu được Stein Tonnesson thử nghiệm với các nước châu Á và phát hiện thêm một trường hợp bổ sung, là con đường “giai cấp”, như trong bài giảng ngày 14.IV.2008 tại đại học LSE, in lại trên tạp chí Nations and Nationalism số 15(3) 2009, trang 375-395: The class route to nationhood: China, Vietnam, Norway, Cyprus – and France. Smith đưa ra hai con đường chủ yếu hình thành quốc gia là dân tộc (ethnic) và dân sự (civic), cùng với một loại hình nữa gọi là đa sắc (plural). Con đường đi đến quốc gia hiện đại của Việt Nam và Trung Quốc không khớp với mô hình dân tộc, lẫn dân sự, hay cả đa sắc, và có thể mô tả như là con đường giai cấp, khá giống với diễn biến ở Na Uy và Síp. GS Stein Tonnesson là giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế (PRIO) ở Osla, Na Uy, từng biên tập bộ sách khảo sát các dạng thức quốc gia châu A (Asian Forms of the Nation) do Curzon xuất bản năm 1996, nhận định lý thuyết của A.D. Smith hợp với Việt Nam hơn Benedict Anderson (trang 13).