Saturday, September 26, 2009

Ly thuyet nghien cuu phat trien vung

Hanoi Conference 11.XI.2009

GS TSKH Joanna Kurczewska và ThS Lê Thanh Hải
[1]

Tư duy lý thuyết trong nghiên cứu phát triển vùng - Trường phái Ba Lan


Tóm lược:

Xã hội thực tại là cách nhìn cổ điển trong nghiên cứu địa phương, gắn liền với một khu vực địa lý hoặc cộng đồng nhất định. Người nghiên cứu thường sử dụng hệ qui chiếu là các cặp phạm trù đối lập như cộng đồng - hiệp hội, quan hệ tích cực - tiêu cực, biệt lập khép kín - mở rộng hội nhập, và không gian - thời gian. Sự quay lại của xu hướng nghiên cứu địa phương trong nửa sau của thế kỷ 20 quan tâm nhiều hơn đến không gian xã hội tâm linh, tức là không còn gắn chặt với khu vực địa lý mà khi đó có thể mở rộng ra vùng miền hay quốc gia. Tư tưởng địa phương sẽ được đặt đối lập với chủ nghĩa tập trung, tư tưởng trung ương, hay chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa dân tộc văn hóa. Nằm giữa và mang tính nối kết cả hai cách nhìn vừa kể trên - xã hội thực tại và tâm linh, hệ qui chiếu đối lập và phi cấu trúc - là nhân sinh quan "tiểu quốc" được các nhà xã hội học và nhân học Ba Lan phát triển trong thập niên 1990s, cho phép liên kết các ngành sử học, triết học, văn hóa và ngữ văn. Khái niệm "tiểu quốc" trong tư duy nằm ở giữa cá nhân thuần túy và cộng đồng trừu tượng, cho phép giải thích mối liên kết giữa chính trị và văn hóa - kinh tế, địa phương và quốc gia, giữa nghiên cứu và đóng góp công dân. Bài viết này sẽ hệ thống hóa góc nhìn trong nghiên cứu phát triển vùng và giới thiệu trường phái Ba Lan nhằm xác định vị trí cho người nghiên cứu tại Việt Nam trong bối cảnh phương pháp áp dụng mô hình có sẵn đang dần được thay thế bằng xu hướng tự xây dựng bản đồ địa hình trong tư duy trong nghiên cứu khu vực.



Ngành xã hội học Ba Lan đang là một trong những hệ qui chiếu về lý thuyết thuộc nhóm đi đầu trên thế giới, bên cạnh các trung tâm nghiên cứu đang tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng như Đức, Anh, Mỹ và Nhật. Điểm đặc biệt mà Việt Nam có thể tiếp thu từ trường phái Ba Lan là quan điểm của giới khoa học ở Ba Lan cho rằng ngành xã hội nhân văn ở mỗi quốc gia cần phải được xây dựng dựa trên những đặc thù văn hóa và ngôn ngữ riêng của dân tộc đó, bên cạnh quá trình giao thoa và hội nhập với mặt bằng phát triển chung của toàn ngành trên thế giới. Từ những buổi đầu, các nghiên cứu xã hội và nhân văn của Ba Lan đã đặt nền móng từ chính những giáo sư Ba Lan mà sau này trở thành chuyên gia đầu ngành ở các nước phương Tây như GS Znaniecki (chủ tịch hội xã hội học Hoa Kỳ, cha đẻ trường phái Chicago), GS Malinowski (cha đẻ ngành nhân học Anh) và GS Bauman (triết gia đương đại, cha đẻ của hệ thống lý luận về hiện đại và hậu hiện đại). Quá trình chuyển đổi của Ba Lan 20 năm qua cũng là môi trường được các nhà khoa học hàng đầu thế giới quan tâm đặc biệt, nghiên cứu rút tỉa bài học phát triển, lẫn xây dựng hoàn chỉnh hệ thống lý thuyết của mình. 5 năm trở lại đây, Viện triết và xã hội học thuộc Viện hàn lâm khoa học Ba Lan lại một lần nữa dẫn đầu các nghiên cứu trên thế giới về vấn đề địa phương - vùng miền, một trong những câu hỏi lớn nhất trong thời toàn cầu hóa và hội nhập: bản sắc, phát triển, và ranh giới văn hóa. Bài viết sẽ giới thiệu một số điểm chính và mô hình lý thuyết để nghiên cứu thực địa đã được áp dụng thành công ở Ba Lan để giới chuyên gia khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam có thể tham khảo và cân nhắc khả năng tiếp biến, ứng dụng. Giáo sư TSKH Joanna Kurczewska (2006) là người xây dựng hệ thống lý thuyết được ứng dụng rộng rãi tại Ba Lan nhưng ThS Lê Thanh Hải chịu trách nhiêm chủ yếu về nội dung của bài viết này, vì là người diễn dịch hệ thống đó sang tiếng Việt và tái dựng lại trên hệ thống các khái niệm đương đại trong ngành xã hội nhân văn tại Việt Nam.

Khái niệm vùng

Trước hết các trình bày nguyên thủy của lý thuyết này nhằm để áp dụng cho các quần thể xã hội nhỏ - mang tính địa phương, lokalnosc trong tiếng Ba Lan, tức làng xã trong tiếng Việt, hoặc cũng có thể mở rộng ra thành quận, huyện, hay thậm chí tỉnh, quốc gia - nhưng điểm chú trọng của nó là về các hiện tượng như xã hội, văn hóa xã hội, hệ thống chính trị, đa văn hóa, nhân sinh quan, huyền thoại xã hội. Lý thuyết này nhìn quần thể xã hội như một tập hợp các hệ thống xã hội tĩnh và động có quan hệ phức tạp với nhau, làm phương pháp cho các nghiên cứu điền dã và lịch sử - lý thyết đối với nhiều địa phương ở Ba Lan trong thời gian chuyển đổi kinh tế, chính trị và xã hội vừa qua, nắm bắt các trật tự xã hội cơ bản và nguyên tắc chung trong diễn giải phục vụ xây dựng lý thuyết xã hội học và nhân học. Hướng đi này cũng tương tự với những phát triển hiện tại của ngành community studies
[2] trên thế giới, chuyên nghiên cứu sự phát triển của các cộng đồng dân cư và xây dựng chính sách (Lê Hải 2008a). Tức là, việc khoanh vùng nghiên cứu không nhất thiết đặt nặng vào số lượng dân cư hay điều kiện địa lý của khu vực, mà vào khả năng tổng hợp và phân tích, áp dụng của phương pháp và người nghiên cứu. Về cơ bản có hai cách nhìn.

Cách nhìn thứ nhất thường sử dụng khái niệm "xã hội địa phương" và đề cập tới các mối quan hệ xã hội trong đó, hoặc các hệ giá trị, biểu tượng và quyền lợi chủ quan. Cách nhìn này là kết quả của lối phân chia giữa xã hội thực tại (các mối quan hệ xã hội) và những gì thuộc về thế giới của những biểu tượng văn hóa được hiện vật hóa (ví dụ như văn hóa tín ngưỡng). Khi đó xã hội địa phương được coi như một thể có thực, được tạo ra trong quá trình trao đổi giữa các thành viên và nhóm để tạo ra quần thể xã hội hoặc văn hóa. Cách nhìn thứ hai không quan tâm đến mối quan hệ vật chất hay địa lý, mà chỉ nói chung về "địa phương" và đề cập đến khu vực biểu tượng văn hóa thông qua cấu trúc và sự vận động của nó, đặc biệt là những tưởng tượng
[3] từ cơ bản, thành phần đến phức tạp (ví dụ như văn hóa tâm linh). Khi đó tùy thuộc theo lối phân chia theo trường phái nhìn xã hội qua tập thể hay cá nhân mà địa phương qua tưởng tượng này được coi là kết quả của một tập hợp xã hội - cộng đồng hay hiệp hội - hay là thuộc tính tư duy và tình cảm của trải nghiệm cá nhân trong một thực tại xã hội phức tạp. Hai cách nhìn vừa kể có thể được phối hợp trong nghiên cứu khảo sát đặt nặng lối phân chia trong phương pháp và lý thuyết, tức là lối tiếp cận diễn giải, hay nói khác hơn là hệ tọa độ để khảo sát khu vực đó, kết hợp cả "xã hội địa phương" lẫn "địa phương", mà một số hệ thống đối chiếu sẽ được trình bày tiếp theo đây.

Bốn cặp phạm trù

Mục tiêu của bài viết này nhằm đưa ra một cách nhìn toàn diện và hệ thống về các phương pháp có thể dùng trong nghiên cứu vùng, cho nên việc chọn lựa sẽ sử dụng những thành phần nào sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào mục tiêu của nghiên cứu cụ thể hoặc điều kiện thực tế có được. Về cơ bản khi phân tích "xã hội địa phương" như cách nhìn thứ nhất vừa kể trên, người ta thường phân chia các nhóm hoặc cơ chế trong mối quan hệ với môi trường vật chất xung quanh thành những cặp đối lập. Đây cũng là cách nhìn cổ điển của ngành xã hội học cuối thế kỷ 19, đặt quần thể người trong mối quan hệ xã hội - văn hóa ứng xử như cách gọi của Trần Ngọc Thêm (2001) - với môi trường sống tự nhiên và văn hóa xung quanh. Sự quay lại của trường phái này trong nửa sau của thế kỷ 20 đi cùng với những khái niệm được sửa đổi hoặc đặt mới cho phù hợp như "vốn xã hội" - thước đo mật độ các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng (Fukuyama 1999, Putnam 2004). Nếu nhìn đối tượng nghiên cứu như một dự án xây dựng và phát triển địa phương thì có thể phân tích cấu trúc và hoạt động của mối quan hệ xã hội đó qua bốn cặp phạm trù cơ bản.

Đầu tiên, quần thể xã hội địa phương có thể được tập hợp qua mô hình cộng đồng hay hiệp hội
[4]. Cộng đồng dân cư thường gắn liền với nơi cư ngụ, có nhiều mối quan hệ hữu cơ, đa dạng, chồng chéo và trực tiếp giữa các thành viên với nhau, tích cực kết dính trong không gian xã hội qui mô nhỏ và không cần đến nhiều cơ chế và nhóm họp, mang tính gần như là gia đình. Trong khi đó dạng thức hiệp hội hay câu lạc bộ thường thiên về các mối quan hệ gián tiếp, ít gặp mặt trực tiếp, chọn lựa theo lợi ích, duy trì trong không gian xã hội mở rộng, vượt ra ngoài quan hệ hàng xóm hay nhóm nguyên thủy, ngày càng mở rộng và gia tăng sự khác biệt trong các mối quan hệ xã hội.

Thứ hai, xã hội địa phương đó có thể được tập hợp dựa trên các mối quan hệ xã hội tích cực ví dụ như cùng một mục tiêu thịnh vượng chung hoặc cũng có thể là các mối quan hệ xã hội tiêu cực (mâu thuẫn, tranh chấp) mà họ cùng có đối với bên ngoài, hoặc một điểm định hướng chung, hoặc đối với ngay chính nhau.

Thứ ba, quần thể xã hội địa phương có thể được xét trong mối quan hệ đóng hoặc mở, biệt lập hay thu nhận. Một đằng không tạo điều kiện cho các hình thức tổ chức mang tầm quốc gia hoặc liên quốc gia, đằng kia có sẵn bản chất dễ tin tưởng vào "bên ngoài" - tức là các nhóm, cơ chế, văn hóa công cộng, cấu trúc quốc gia hoặc trên quốc gia - cho phép tồn tại nhiều mối quan hệ khác nhau cả bên trong lẫn bên ngoài, dễ dãi với môi trường văn hóa xung quanh.

Thứ tư là cặp phạm trù không gian và thời gian, mà người nghiên cứu trên cơ sở dữ liệu có được từ khảo sát điền dã sẽ cân nhắc xem cái nào là trục qui chiếu tối ưu nhất: truyền thống, không gian vật chất hay không gian xã hội; lịch sử hay khoảng cách vật chất và xã hội
[5]. Thời gian ở đây có thể là thời gian tuyến tính, tuần tự hay thời gian tương đối và mang giá trị như trong trải nghiệm. Không gian ở đây có thể là không gian địa lý hay không gian trong tư duy.

Tư tưởng địa phương

Bốn cặp phạm trù vừa giới thiệu thường xuất hiện trong các nghiên cứu về mối quan hệ xã hội thực tế khi khảo sát quần thể xã hội gắn liền với một địa phương cụ thể. Một số công trình nghiên cứu còn đề nghị thêm các phạm trù và hệ thống khái niệm khác nữa để khảo sát, hoặc cũng dùng hệ thống này để khảo sát nhân sinh quan về địa phương như trong cách nhìn về tư duy trừu tượng đã trình bày ở trên (xã hội tâm linh). Quan niệm về địa phương mà các thành viên của xã hội địa phương đó cùng giới chính trị và doanh nhân đều nghĩ giống nhau sẽ được tạm gọi là hệ tư tưởng địa phương. Khi đó tư duy này sẽ được đặt trong nhiều mối quan hệ khác nhau, kể cả sử dụng mối quan hệ đối lập lẫn các hệ thống không đối lập để khảo sát.

Cũng cần giải thích thêm là "tư tưởng địa phương" là tên gọi được tạm đặt cho khái niệm mới trong học thuật mà thuật ngữ tiếng Anh là localism, mô tả nhân sinh quan trong không gian tư duy để phân biệt với khái niệm quen gọi là chủ nghĩa địa phương hay chủ nghĩa cục bộ - regionalism, vốn theo cách hiểu cổ điển chỉ đề cập đến những mối quan hệ xã hội thực tế, liên quan đến địa phương và môi trường thực tế. Nếu trước kia, theo cách hiểu cổ điển, tư tưởng cục bộ là xu hướng tư duy đối lập với tư tưởng tập trung trung ương theo chính sách của Stalin, thì sau này, tư tưởng địa phương theo cách hiểu đương đại sẽ là xu hướng tư duy đối lập với chủ nghĩa toàn cầu - globalism, hay chủ nghĩa kinh tế tập trung - etatism, hoặc cả chủ nghĩa dân tộc văn hóa - cultural nationalism. Tư tưởng địa phương phát triển ở Mỹ và Tây Âu có thêm liên kết với hệ tư tưởng bảo thủ xã hội - social conservatism.

Tiểu quốc

Nếu phương pháp hệ thống hóa qua các cặp phạm trù hoặc nhìn vào tư tưởng địa phương trong tư duy của cộng đồng và xã hội đều đặt cơ sở trên cách nhìn thế giới qua các mặt đối lập, thì các nghiên cứu ở Ba Lan xây dựng khái niệm "tiểu quốc" như góc nhìn nghiên cứu tìm mẫu số chung cho mọi loại hình hiện tượng phức tạp thu nhận được từ đối tượng nghiên cứu. Bất kể được định nghĩa như thế nào, thì khái niệm tư duy này đều giúp không chỉ nhà nghiên cứu "nhìn thấy" kết cấu của xã hội và tư duy, vì "tiểu quốc" vừa đáp ứng các đòi hỏi về cấu trúc lẫn chức năng trong xã hội học hay khoa học tư tưởng, vừa phù hợp cho các biện chứng ở địa phương lẫn tầm quốc gia, dễ dàng thể hiện trong các hệ thống tư tưởng khác nhau.

Khái niệm tiểu quốc có khả năng làm cầu nối cho rất nhiều ngành học khác nhau: xã hội học, nhân học, sử học, nhân chủng học, triết học, văn hóa và ngữ văn, thông qua hệ thống khái niệm và diễn giải. Tiểu quốc là suy diễn của mỗi cá nhân về một tổ quốc, nằm giữa tưởng tượng của mỗi cá nhân về "bản thân" không có liên quan tới lãnh thổ địa lý, và một cộng đồng tưởng tượng như dân tộc, khu vực và thế giới, nối kết giữa cá nhân và cộng đồng ấy. Khái niệm tiểu quốc cũng có thể được dùng để nối kết giữa chính trị và văn hóa, chính trị và kinh tế như trong các chương trình nghị sự của hệ thống hành chính quốc gia và chính trị tự quản địa phương. Tiểu quốc cũng là tư duy được vật thể hóa và đề cập đến toàn thể văn hóa dân tộc trong mối quan hệ liên chủ quan. Lăng kính này cho phép người nghiên cứu hiểu được qui luật phát triển của từng cá nhân trong khu vực, cả nhóm đa số lẫn thiểu số, tư tưởng chủ đạo lẫn đối lập hoặc thay thế, cả chính sách thượng tầng trung ương lẫn hạ tầng tư duy
[6] cấp cơ sở, văn hóa chỉ đạo và bản địa lẫn văn hóa, nhìn thông suốt từ cá nhân lên đến cộng đồng dân tộc - quốc gia, từ góc nhìn của người làm chính sách hay vận động chính trị đến quần chúng tham gia và tác động dân sự. Thực ra đây cũng là một tiếp cận thực tế cho những chính sách phát triển văn hóa toàn cầu mà Unesco từng chủ xướng, và Việt Nam cũng từng thử nghiệm qua mô hình làng văn hóa (Nguyễn Khoa Điềm 2001). Mỗi quốc gia tùy theo điều kiện văn hóa chính trị và dân trí mà sẽ xây dựng và hoàn thiện chủ thuyết phát triển riêng. Giới khoa học Ba Lan cũng dành hàng chục năm thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau, mà một trong số các chủ thuyết nổi bật hiện nay là hệ thống đào tạo hàng trăm "họa nhân văn hóa" (animator kultury) nhằm thông hiểu và kiến tạo văn hóa cơ sở, lấp dần các ranh giới vùng miền, khu vực nhưng không đánh đồng và tập trung xã hội (Godlewski 2002). Trong thời hậu hiện đại, bản sắc địa phương không nhất thiết phải gắn liền với một vùng miền cụ thể mà có thể thay đổi liên tục như những điểm đến của mỗi cá nhân trên con đường du lịch/hành hương vô tận (Bauman 1995). Bản sắc đó cũng được huyền thoại hóa qua văn chương, cho phép khảo sát qua tiếp cận của ngành ngữ văn (Sulima 2001).

Bản đồ tư duy

Cũng cần nói thêm là cơ sở phương pháp nghiên cứu cho hệ thống cách nhìn vừa giới thiệu cũng là trào lưu mới, cần được áp dụng đầy đủ. Trước hết đó là phương pháp luận cá nhân - methodological individualism
[7], đồng thời tôn trọng tính đa dạng của chủ thể - pluralism, khi nhiều không gian tự trị cùng tồn tại và tạo ra vật phẩm văn hóa chung (Walzer 1983). Tiếp nữa là nhà nghiên cứu có thể tham gia những hoạt động trong xã hội nhưng cần ghi nhận và cân nhắc những ảnh hưởng do chính mình gây ra, làm thay đổi xã hội đang khảo sát. Quan trọng nhất, như đã nhắc từ đầu bài, nhà nghiên cứu cần từ bỏ lối tư duy lỗi thời theo kiểu áp dụng đại trà một mô hình đồng nhất cho tất cả mọi vùng miền, khu vực. "Địa phương" cần được coi như một dự án phát triển, mà qua những hệ qui chiếu như phạm trù đối lập hoặc khái niệm chung như bản sắc địa phương (tiểu quốc), người nghiên cứu có thể thông hiểu, nắm bắt kiến thức cơ sở để vẽ bản đồ địa hình cho không gian tư duy và xã hội thực tại, cũng giống như phương pháp và công việc của người khảo sát địa chất hay thổ nhưỡng trong không gian địa lý. Bản đồ có thể phác thảo hay chi tiết, phổ thông hay chức năng, cũng như địa hình cũng thường xuyên thay đổi, nhất là trong tư duy hay quan hệ xã hội.

So sánh, đối chiếu

Nghiên cứu địa phương, đặc biệt là làng xã, vốn phổ biến trở lại ở Việt Nam trong vòng 20 năm qua, với nhiều đóng góp từ các nghiên cứu từ nước ngoài, như khảo sát nhiều ngành của Nhật Bản ở Bách Cốc. Tuy nhiên, đúng như GS Phan Huy Lê (2006) đã nhận xét, các nghiên cứu này tiếp nối truyền thống khảo cứu và góc nhìn cổ điển từ thời Pháp thuộc, tức là tập trung phân tích các mối quan hệ xã hội thực tại như đã được trình bày trong phần đầu của bài viết này. Không gian tâm linh cũng là đề tài rất được quan tâm hiện nay trong các nghiên cứu từ Úc và trường phái nhân-sử học Hoa Kỳ đối với Việt Nam mà hiện dẫn đầu là GS Philip Taylor (2007), nhưng đa số các khảo sát vẫn tập trung vào phần vật thể hóa của các biểu tượng văn hóa. Tuy vậy, vẫn có một số rất ít khảo sát từ phương Tây chú ý đến tư duy thuần túy trong không gian tâm linh như nghiên cứu của GS Shaun Malarney (2002) ở Thịnh Liệt
[8], hay khảo sát của GS Kwon Hoenik (2008) ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi[9]. Khu vực này hoàn toàn thiếu vắng trong các nghiên cứu tại Việt Nam, vốn yếu về hệ thống lý thuyết và lịch sử tư duy[10].

Áp dụng các trình bày đã được giới thiệu trong bài viết này, kèm theo hệ thống chỉ dẫn đến các tài liệu chuyên sâu và nâng cao, hi vọng người làm khoa học tại Việt Nam nay có thể phác thảo một hệ thống lý thuyết cơ sở để khảo sát không gian tư duy (tâm linh, biểu tượng văn hóa) tại khu vực đang là đối tượng nghiên cứu của mình. Như đã nhắc từ đầu, hệ thống lý thuyết này không phải là mô hình mà nhà nghiên cứu buộc phải áp dụng, mà chỉ là một hệ thống tư duy giúp nhà nghiên cứu tự xác định bản thân và phát triển phương pháp nghiên cứu phù hợp. Mỗi ngành học và mỗi bản thân từ cơ sở văn hóa và giới tính riêng thường có cách "vẽ bản đồ" khác nhau, mối quan tâm tìm hiểu khác nhau đối với cùng một khu vực đang là đối tượng. Ví dụ chuyên gia Hán - Nôm thích tiếp cận văn bản và chữ viết cổ có thể tìm hiểu thái độ tâm linh của người dân trong làng đối với "chữ cổ" và vị trí của chữ trong trật tự tâm linh của cộng đồng và lân cận. Cán bộ phong trào có thể áp dụng phương pháp quan sát tham gia của nhân học đời thường mà tìm hiểu tiến trình lịch sử của tư duy làng xã - vùng miền xuyên suốt theo các giai đoạn "xâm nhập" của văn hóa bên ngoài, từ hệ tư tưởng được trung ương phổ biến lẫn những triết học đời thường được thu nhận từ phim bộ các nước. Chuyên gia văn hóa và nhân học có thể phát triển hệ tọa độ văn hóa (Trần Ngọc Thêm 2001) để nâng cao khảo sát văn hóa ứng xử trong môi trường văn hóa. Sử gia hoặc người viết sử a-ma-tơ địa phương sẽ xét lại quan niệm tuyến tính về thời gian và cân nhắc khả năng sắp xếp dữ liệu theo trục không gian tư duy chẳng hạn. Thừa hưởng tư duy Mác-xít từ hệ thống giáo dục phổ thông, người nghiên cứu từ nhiều ngành khác nhau ở Việt Nam dễ dàng xây dựng hệ qui chiếu đối lập qua các cặp phạm trù mâu thuẫn, là tư duy đang thuộc loại phổ biến trong ngành xã hội - nhân văn trên thế giới (Lê Thanh Hải 2008b). Lối tiếp cận theo kiểu vẽ bản đồ cũng giúp bổ sung cho những giới hạn của phương pháp khu vực học đang được triển khai tại một số trung tâm nghiên cứu phát triển Việt Nam (Lê Thanh Hải 2009a).

"Tiểu quốc" cũng không phải là khái niệm xa lạ tại Việt Nam, chỉ có điều chưa ai hệ thống hóa khái niệm "quê hương" của người Việt Nam cho ngành khoa học xã hội-nhân văn mà thôi. Quê hương có thể hiểu là một ngôi làng, một tỉnh, một miền cho đến một quốc gia. Quê hương có thể được vật thể hóa như "chùm khế ngọt", huyền thoại hóa qua ngữ văn như "đường đi học", hay được đặt vị trí duy nhất trong tâm linh "như là chỉ một mẹ thôi" và là nơi mỗi người phải đi qua trong bản đồ tư duy để "lớn nổi thành người" (ý thơ Đỗ Trung Quân). Quê hương nối kết tất cả mọi ngành, mọi nhóm quyền lợi, tầng lớp và từng cá nhân. Các qui luật về tư duy về "quê hương" nếu được nắm bắt chắc chắn sẽ là chìa khóa quan trọng cho phát triển khu vực. Hiểu được tư tưởng đồng hương trong hệ giá trị và chọn lựa của mỗi cá nhân trong bầu cử hay ê-kíp làm việc sẽ giúp doanh nghiệp xác định chiến lược đầu tư (ví dụ như câu lạc bộ bóng đá, tập đoàn chế biến thực phẩm) hay mạng lưới phân phối hàng hóa (mà phong trào người Việt dùng hàng nội hiện đang là câu hỏi trên báo chí và dư luận).



Tham khảo:

Kurczewska, Joanna 2006, [Tư tưởng nghiên cứu địa phương. Các sơ đồ cũ và mới] Robocze Ideologie Lokalnosci. Stare i Nowe Schematy, trong tập sách do Joanna Kurczewska chủ biên 2006, Oblicza Lokalnosci. Tradycja i wspolczesnosc, IFiS PAN, trang 88-129.

Lê Thanh Hải 2008a, Chủ nghĩa cộng đồng, http://bansacdantocvietnam.blogspot.com/2008/10/ch-ngha-cng-ng-communitarianism.html

Lê Thanh Hải 2008b, Chủ nghĩa Mác đương đại, http://bansacdantocvietnam.blogspot.com/2008/10/ch-ngha-mc-ng-i.html

Lê Thanh Hải 2009a, Việt Nam 2008: Chuyển dịch trong não trạng xã hội - nhân văn, hội thảo Hè Paris 26-28.8.2009 http://bansacdantocvietnam.blogspot.com/2009/09/vietnam-2008.html

Lê Thanh Hải 2009b, Minh triết và Phát triển, hội thảo Minh triết tại Hà Nội 22.9.2009

Phan Huy Lê 2006, [Nghiên cứu Làng Việt Nam - đánh giá cá các góc nhìn] Research on the Vietnamese Village - Assessment and Perspectives, trong Trần Tuyết Nhung & Anthony Reid 2006, Vietnam: Borderless Histories, Unversity of Wiscosin Press

Taylor, Philip 2007, [Hiện đại và phục hồi tín ngưỡng: tôn giáo ở Việt Nam hậu cách mạng] Modernity and re-enchantment: religion in post-revolutionary Vietnam, ISAS

Malarney, Shaun 2002, [Văn hóa, tín ngưỡng và cách mạng ở Việt Nam] Culture, ritual and revolution in Vietnam, University of Hawaii Press

Kwon Heon-ik 2008, [Hồn ma cuộc chiến ở Việt Nam] Ghosts of War in Vietnam, Cambridge University Press

Trần Ngoc Thêm 2001, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB tp.HCM

Nguyễn Khoa Điềm chủ biên 2001, Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, NXB CTQG

Fukuyama, Francis 1999, [Vốn xã hội và Xã hội dân sự] Social Capital and Civil Society, IMF Conference on Second Generation Reforms, bản điện tử ở địa chỉ http://www.imf.org/external/pubs/ft/seminar/1999/reforms/fukuyama.htm

Putnam, Robert D. 2004, Democracies in flux: the evolution of social capital in contemporary society, Oxford University Press

Walzer, Michael 1983, Spheres of Justice: A Defense of Pluralism and Equality, Barnes&Nobel, New York.

Giáp Văn Dương 2009a, Việt Nam 2008: 10 bài toán lớn, hội thảo Hè, Paris 26-28.8.2009
Giáp Văn Dương 2009b, Minh Triết và Hạ Tầng Tư Duy, hội thảo Minh triết Việt, Hà Nội 22.9.2009

Godlewski, Grzegorz chủ biên 2002, [Khắc họa văn hóa - Kinh nghiệm và Tương lai] Animacja Kultury - Doswiadczanie i Przyszlosc, IKP UW

Bauman, Zygmunt 1995, [Nhiều nghĩa thời hiện đại, thời hiện đại nhiều nghĩa] Wieloznacznosc nowoczesna, nowoczesnosc wieloznaczna, PWN tr.260-325

Sulima, Roch 2001, [Tiếng nói của truyền thống] Glosy tradycji, DiG Warszawa
[1] GS TSKH Joanna Kurczewska là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Ba Lan, phân viện trưởng phân viện Xã hội học lý thuyết, đồng thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu các thay đổi xã hội và truyền thống, cũng là tổng biên tập tạp chí khoa học tiếng Anh Polish sociological review.

ThS Lê Thanh Hải là cộng tác viên khoa học của Khoa triết và xã hội học, thuộc Viện hàn lâm khoa học Ba Lan, đồng thời cũng là biên tập viên khoa học của BBC World Service và thành viên nhóm nghiên cứu dân tộc và quốc gia ASEN tại Đại học kinh tế London (LSE).

Địa chỉ liên lạc:
Institute Philosophy and Sociology
Polish Academy of Science
72, Nowy Swiat, p.139
Warszawa, Poland
tel. +4822-6572-898
mobile. +44-7854-920-023
email: thanhai@wp.pl,
[2] Độc giả có thể truy cập nhanh về ngành nghiên cứu mới phát triển từ cuối thế kỷ 20 qua giải thích nhanh trên Wikipedia tiếng Việt (vi.wikipedia.org) về Chủ nghĩa cộng đồng do chính tác giả bài viết này biên soạn, có đầy đủ các đường dẫn đến những bài viết cần tham khảo trên mạng, hoặc tìm đọc bài viết đầy đủ của tác giả trên trang nhà bansacdantocvietnam.blogspot.com
[3] Một trong số những học giả hàng đầu về "cộng đồng tưởng tượng" là Benedict Anderson từng viết quyển sách cùng tên Imagined Communities xuất bản năm 1983, dựa khá nhiều trên các phân tích lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 20. Quí vị có thể đọc bài giới thiệu cũng do tác giả bài viết này biên soạn trên trang BBC tiếng Việt ở địa chỉ: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/03/050322_anderson_nationalism.shtml
[4] Mô hình xã hội học thế kỷ 19 thường phân biệt bằng hai khái niệm tiếng Đức Gesellschaft và Gemeinschaft, tức là nguyên tắc gắn liền với vùng đất địa lý và mối quan hệ xã hội.
[5] Người nghiên cứu cũng có khi sẽ muốn chọn khảo sát thời gian theo trục không gian, hoặc xét không gian theo trục thời gian.
[6] Một trong số những diễn giải về hạ tầng tư duy được Giáp Văn Dương (2009a,b) xây dựng, có thể tìm hiểu trên blog của anh ở địa chỉ http://www.giapvan.net. Theo đó “hạ tầng tư duy là toàn bộ những gì góp phần khai mở, hỗ trợ, giải phóng và phát huy khả năng tư duy của cá nhân và cộng đồng. Cấu trúc của hạ tầng tư duy gồm sáu yếu tố chính: Thành tựu tư tưởng của nhân loại (TTNL); Hệ tư tưởng, quan điểm sử dụng hiện thời (HTT-QĐ); Cơ chế pháp lý hỗ trợ (CCPL); Thói quen, kĩ năng tư duy cá nhân (TQ-KN);Văn hóa, môi trường làm việc (VH-MT); Liên thông, trao đổi tư tưởng (LT-TĐ)” (Tuần Việt Nam 10-11.8.2009, vietnamnet.vn)
[7] Tác giả bài viết này đã chuẩn bị sẵn mục giải nghĩa trên Wikipedia tiếng Việt (vi.wikipedia.org) dưới tên gọi Cá nhân luận. Phương pháp luận này được xây dựng trên cơ sở một nhánh triết học muốn giải thích và hiểu các phát triển xã hội như là một tập hợp của các quyết định và hành động của các cá nhân, còn có thể được hiểu như là phương pháp giản lược - reductionism, hiện được áp dụng nhiều cả trong ngành xã hội lẫn kinh tế học. GS Kurczewska cũng có bàn đến nhân sinh quan cá nhân trong nghiên cứu dân tộc: (1999) [Khái niệm dân tộc] Naród, trong [Bách khoa toàn thư xã hội học] Encyklopedia Socjologii, Ofycyna Naukowa, Warszawa, bản lược dịch của tác giả bài viết được lưu trên mạng ở địa chỉ: http://bansacdantocvietnam.blogspot.com/2009/01/nhan-sinh-quan-ca-nhan-trong-nghien-cuu.html
[8] Có thể đọc thêm bài điểm sách của tác giả bài viết này ở trang mạng http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/08/080828_shaun_malarney.shtml
[9] Có thể đọc thêm bài điểm sách của tác giả bài viết này ở trang mạng http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080908_kwon_heonik.shtml
[10] Ví dụ nổi bật nhất là giải thưởng Trần Văn Giàu cho lịch sử tư tưởng thiếu người được trao tặng bốn năm liền với giải thích từ thường trực ủy ban giải thưởng GS Nguyễn Văn Lịch (TTVH 13-14.9.2009) http://www.thethaovanhoa.vn/133N2009091310430890T0/giai-thuong-tran-van-giau-bai-1-ngay-cang-it-tac-pham-tham-gia-vi-qua-kho.htm, http://www.thethaovanhoa.vn/133N20090914100324302T0/giai-thuong-tran-van-giau-bai-2-vi-sao-chua-co-giai-lich-su-tu-tuong.htm

Monday, September 21, 2009

Chu nghia dan toc

Chủ nghĩa dân tộc - Một tiến trình lịch sử của văn hóa
Lê Hải[1]

Chữ tiếng Anh nationalism có thể dịch sang tiếng Việt là "chủ nghĩa dân tộc" theo cách hiểu thiên về chính trị, hoặc "tư tưởng dân tộc" nếu xét từ góc độ học thuật và tiến trình văn hóa, như nền của bài viết này. Thế nhưng, ngay từ đầu cách dịch đó đã có vấn đề vì chắc chắn nhiều độc giả muốn thay chữ "dân tộc" bằng chữ "quốc gia" - chữ cũng sẽ được dùng song song, không chỉ riêng vì lý do dịch thuật hay ngữ nghĩa, nội dung. Về cơ bản, trong tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ châu Âu, kết cấu -ism khi nối tiếp vào đuôi một từ gốc sẽ tạo ra từ mới với nghĩa là một chủ nghĩa, một trào lưu hay một hệ tư tưởng, một lối tư duy nào đó mới được đặt tên[2]. Thêm vào đó, từ gốc nation có thể hiểu/dịch theo nhiều kiểu khác nhau, như một dân tộc, một quốc gia, hay một nguồn gốc, một phát sinh như bắt đầu từ chữ Latin natio hay nascere. Đó là chưa kể cách dùng tạm, không tập trung nhiều vào ngữ nghĩa như trong bài viết này, mượn chữ thường gặp nhất - "chủ nghĩa dân tộc" - để diễn tả nhiều khái niệm và cách hiểu khác nhau, và cùng lúc cũng dùng các biến thể khác nhau của nó để chỉ có khi là cùng một khái niệm và cách hiểu đơn lẻ. Từ ngữ là thành phần cơ bản của ngôn ngữ - sản phẩm thường gặp nhất của văn hóa, cho nên bản thân cũng là một biến số của lịch sử, mà những khái niệm khác nhau của chủ nghĩa dân tộc cũng chính là những dấu vết lịch sử của quá trình tiến hóa đó, cả trong phạm vi một giai đoạn, một quốc gia lẫn mở rộng ra cả thế giới và lịch sử loài người. Theo cách hiểu hậu hiện đại thì nó cũng chính là lịch sử một giai đoạn tìm kiếm và trưởng thành của chính người viết bài này, có thể tạm coi là những thông hiểu (understanding) đã chắt lọc và tích lũy lại được sau hơn mười năm tìm hiểu và nghiên cứu. Tìm hiểu để định nghĩa khái niệm chủ nghĩa dân tộc cũng là một cách để trả lời câu hỏi Ta-là-was, trong bối cảnh bản sắc đang là đề tài được quan tâm hàng đầu trong trào lưu deconstructionism của thời hậu hiện đại rồi đến reconstructionism của thời sau hậu hiện đại.

Khai sinh hay vốn có?

Trong học thuật, các hệ tư tưởng đương đại về dân tộc và chủ nghĩa dân tộc hầu hết được tái xây dựng từ những công trình nghiên cứu được xuất bản vào đầu thập niên 1980, mà ba đầu sách cùng xuất hiện năm 1983 của Ernest Gellner, Eric Hobsbawm và Benedict Anderson[3] thường được trích dẫn nhất. Từ đó đến nay, bên cạnh hàng chục đầu sách quan trọng là hai tạp chí đầu ngành, cùng do đại học LSE xuất bản từ 1995: Nations and Nationalism và Studies in Ethnicity and Nationalism. Có thể coi hai tạp chí này là đại diện cho hai hướng tiếp cận mâu thuẫn nhau về vấn đề dân tộc, mà Samuel Huntington (2005:29) từng thử khái quát: dân sự và sắc tộc, chính trị và văn hóa, cách mạng và bộ lạc, tự do và hội nhập, hiệp hội đi kèm với chọn lựa và thần thánh đi cùng với tự nhiên, dân sự-lãnh thổ và sắc tộc-gia đình, hay yêu nước và chủ nghĩa dân tộc.

Nổi bật nhất trong các cuộc tranh luận giữa các chuyên gia trong ngành có lẽ là câu hỏi "dân tộc có cuống rốn hay không?"[4] mà Ernert Gellner và Anthony Smith đã đặt ra vào năm 1995 tại đại học Warwick. Mặc dù đồng ý với thầy mình rằng chủ nghĩa dân tộc là một hiện tượng - quá trình tư tưởng dựa trên một thực tế xã hội là dân tộc - của thời hiện đại, Smith (1995) không đồng ý với quan điểm quá hiện đại của Gellner (1995) - coi dân tộc là sản phẩm (phụ) của quá trình hiện đại hóa, mà cho rằng cũng nên cân nhắc các yếu tố nền tảng như văn hóa sắc tộc và biểu tượng, vì đó mới chính là yếu tố giúp tư tưởng dân tộc duy trì và tiếp tục đang là một quyền lực đáng kể trong xã hội toàn cầu hóa, xóa nhòa ranh giới quốc gia như hiện nay.

Tâm điểm của cuộc tranh cãi vừa kể cũng là ranh giới giữa hai nhóm tư tưởng mà một bên - làm khai sinh cho dân tộc trong thời hiện đại - là phe hiện đại (modernism), còn bên kia cho rằng dân tộc vốn đã có sẵn (primordialism) hoặc tồn tại từ rất lâu đời (perenialism), các thay đổi gần đây chẳng qua chỉ là tiếp biến. Mâu thuẫn vừa nêu cũng lộ ra và bùng nổ trong phần bình luận bài điểm sách trên BBC tiếng Việt (22.III.2005) về một phân tích của Benedict Anderson (1983), cho rằng nền giáo dục Pháp đã phần nào kéo theo sự "khai sinh"[5] của dân tộc Việt Nam, mà đa phần các ý kiến phản đối đều thể hiện lối tư duy phản hiện đại[6]. Anderson đã làm một điều rất liều lĩnh là áp dụng tư duy "hiện đại" cho một nước hậu thuộc địa, nơi vốn thường được dùng để chứng minh cho các lập luận ngược lại. Clifford Geertz (1973, theo Smith 1998:151-155) từng xác nhận rằng ở những nơi đó dân chúng được kết nối với nhau không phải bằng các mối quan hệ dân sự như kiểu ở phương Tây hiện đại mà là qua các mối quan hệ nguyên thủy như ngôn ngữ, phong tục, sắc tộc, tôn giáo và những loại hình văn hóa khác. Với những xã hội chưa bị xáo trộn do di dân hay kết hôn với người (nước) ngoài thì Pierre van den Berghe (1978, theo Smith 1998:146-151) thậm chí còn nhìn thấy cơ chế vận hành xã hội như một đại gia đình thông qua quan hệ bà con, nâng đỡ ê-kíp và cưỡng chế bè phái. Cũng cần chú ý rằng hai học giả vừa nêu đều là chuyên gia trong ngành nhân học về sắc tộc (ethnic), phát triển từ các nghiên cứu điền dã của nhân chủng học, tác động vào các tranh luận của xã hội học và sử học về dân tộc (nation), một quá trình đang lặp lại trong các ngành xã hội và nhân văn hiện nay tại Việt Nam, khi cả hai khái niệm ethnic và nation đều được coi/dịch là dân tộc.

Quốc gia và biện chứng lịch sử

Giới học giả từ miền Nam[7] Việt Nam thường dịch nation thành quốc gia, theo cách hiểu thiên về nhà nước[8] (state) của khái niệm này. Điều kiện phải có tổ quốc để sinh sống và hướng về, hay hướng đến một thể chế nhà nước là điều kiện để một hoặc một nhóm sắc tộc được coi là dân tộc đã nhấn mạnh đến vai trò của lịch sử. Nếu nhìn lại tiến trình lịch sử tư tưởng châu Âu chúng ta sẽ thấy các hệ tư duy mang hơi hướng chủ nghĩa quốc gia bắt đầu xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 19 (Kedourie 1994) và được coi là một trong bốn hệ tư tưởng lớn kể từ sau ngày cách mạng Pháp, bên cạnh chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội (Szacki 2003:169). Những từ như nation và patrie xuất hiện trong các ngôn ngữ châu Âu từ giữa thế kỷ 18 (Huntington 2005:29). Cho rằng hiếm có quốc gia nào hiện diện từ trước nửa sau của thế kỷ 19, Walker Connor (1994, theo Smith 1998:159-165) nhận thấy các lãnh đạo mang thiên hướng dân tộc - từ Hitler và Mussolini cho đến Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh - đều nhắc đến dòng máu và gia đình để động viên những người cùng dân tộc (đồng bào - người cùng bào thai), cùng tổ tiên (tổ quốc - đất nước của tổ tông), hay cùng quan hệ gia đình mở rộng (quốc gia - đất nước của gia đình) sẵn sàng hi sinh trong những hoàn cảnh mà nếu suy tính theo logic và lẽ thường họ sẽ không bao giờ chịu chết như vậy.

Nhìn lịch sử từ quan điểm duy vật biện chứng, Anthony Giddens (1985) coi xã hội hiện đại là những quốc gia - dân tộc tồn tại trong một hệ thống các quốc gia - dân tộc như một thể chế kiểm soát quyền lực vũ trang, phát triển từ các nhà nước phong kiến chuyên chế (absolutism), thông qua quá trình công nghiệp hóa và tư bản hóa. Cũng là một nhà lý luận Mác-xít đương đại (Lê Hải 2008a, 2008b), Eric Hobsbawm (1983, 1992) nhìn thấy những gì được gọi là truyền thống, phong tục, tập quán quốc gia thực ra được người ta tạo ra (invented tradition) trong quá trình vận động xây dựng ý thức dân tộc. Ernest Gellner (1993, 1997) nhìn thấy văn hóa từ thượng tầng kiến trúc qua giáo dục mà lan tỏa và phổ biến, còn Benedict Anderson (1993) thì đánh giá cao ảnh hưởng của in ấn và báo chí lên tư duy mang kết cấu kể chuyện của con người hiện đại. Nhiều qui luật lịch sử của con đường hình thành dân tộc - quốc gia được phát hiện bổ sung, từ quá trình vẽ bản đồ (Winichakul 1994), cách mạng (Tilly 1993), cách mạng giai cấp (Tonnesson 1998), kháng chiến (Hobsbawm 1998, SarDesai 1992), thế tục hóa (Greenfeld 2004), tranh luận xã hội (Hall 1984, 1996), hội nhập (Birch 1989), hay thậm chí bất ngờ (Wilson 2002), vớ vẩn (Billig 1995) và ảo (Eriksen 2006).

Từ cá tính đến bản sắc

Đa số các qui luật lịch sử như vừa kể được phát hiện và trình bày thông qua phương pháp duy vật biện chứng, nhưng chính Mác và Angel lại nhìn vấn đề dân tộc qua lớp sương mù (James 1997), còn các nhà lý luận cộng sản không nhắc gì đến hoặc thậm chí còn tuyên bố cáo chung cho dân tộc trong Quốc tế hai. Mặc dù Stalin (1913) có đặt ra Câu hỏi về dân tộc tại Quốc tế ba và vấn đề này phần nào trở thành điểm khác biệt - ít nhất là về lý luận - giữa họ và Đệ Tứ hay Trốt-kít, lý luận về dân tộc tại các nước cộng sản vẫn thường là điểm yếu hoặc không đậm nét như vừa trình bày ở các nước phương Tây. Thời kỳ đầu trong chính sách của đảng cộng sản Việt Nam chưa có tham vọng đưa ra chủ trương xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa và con người Xô-viết như sau này, mà chỉ chú trọng "tân dân chủ với hình thức phù hợp với dân tộc" (Trường Chinh 1943), cũng không đặt nặng chủ trương dân tộc đến mức như "yêu tổ quốc, yêu đồng bào" (chủ nghĩa dân tộc quốc gia), xây dựng con người đạo đức như các điều dạy của Hồ Chí Minh đối với thiếu nhi, quân đội, công an và cán bộ. Đó cũng chính là mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa dân tộc cộng sản của Việt Nam (Lữ Phương 1998).

Thiếu vắng một hệ thống lý luận khoa học bậc cao về dân tộc và những vấn đề liên quan, các nghiên cứu cả không chuyên lẫn hàn lâm của Việt Nam đều tự do phát triển ngoài vùng thẩm định. Họ tìm về nguồn cội sắc tộc (Hà Văn Thùy 2007), lãnh thổ (Trương Thái Du 2007), cộng đồng (Dohamide và Dorohiêm 2004), gốc tư tưởng (Phạm Tường và Việt Hoàng 2006, Hữu Thọ 2000), ngôn ngữ (Cao Xuân Hạo 2003), bài học vỡ lòng (Trần Văn Chi 2005), cổ nhạc hay Phật giáo (Lê Mạnh Thát 2001), căn cước (Nam Phan 2008) hay cẩn thận hơn thì sắp xếp, phân chia loại hình (Trần Ngọc Thêm 2001), vùng miền (Trần Quốc Vượng 2002), hay thể nghiệm bản sắc (Nguyễn Khoa Điềm 2001). Một lần nữa, cũng như các trào lưu trước, biến chuyển về khái niệm/nhận thức dân tộc ở Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của khu vực, khi châu Á đang chuyển đổi từ tư duy dân tộc phát triển sang tư tưởng dân tộc văn hóa (Lương Văn Hy 2007), còn ASEAN thì đang xây dựng chủ nghĩa khu vực (Sutherland 2008). Nhìn rộng ra thì tiến trình lịch sử trong vòng 100 năm qua của chủ nghĩa dân tộc - quốc gia ở Việt Nam đã đi từ thiên hướng cá tính nhân chủng (Trần Trọng Kim 1919) hay hữu cơ tân-Darwin sang đến bản sắc[9] (identity) trong không gian học thuật lịch sử hậu Fukuyama (Lê Hải 2008c), hậu Mác-xít, trong lúc các hệ tư duy trước vẫn được duy trì hoặc tiếp tục du nhập (Houben 2008, Anesaki 2008). Nhiều nghiên cứu Việt Nam từ nước ngoài bỏ qua hoặc tránh động đến tâm điểm/định nghĩa của vấn đề dân tộc, chỉ đề cập đến những mảng nhỏ từ nhiều góc và phương pháp tiếp cận khác nhau: mỹ thuật (Nora Taylor 2004), văn hóa chính trị (Marr 2004), cộng đồng hải ngoại (Ngô Sĩ Long 2008), ký ức (Hồ Tài Huệ Tâm 2001), tôn giáo thời hiện đại (Philip Taylor ed. 2007, Fielstad và Nguyễn Thị Hiền ed. 2006), không gian tôn giáo cục bộ (Đỗ Thiện 2003, Kwon 2008, Malarney 2002), địa phương làng xã (Kleinen 1999, Koh 2006). Tuy nhiên, hiện có dự án Vietnam Update do giáo sư Philip Taylor chủ trì ở Đại học quốc gia Úc đang ngày càng tiếp cận thêm nhiều mảng đề tài sau mỗi năm nghiên cứu và hội thảo báo cáo, tiến dần đến một cái nhìn đầy đủ về bản chất Việt Nam, mà chủ đề được quan tâm trong năm nay là bản sắc liên quan đến di dân, cả nội địa lẫn ra nước ngoài.

Kết luận

Dân tộc/quốc gia là vấn đề mà bất cứ học giả hàng đầu nào trong ngành xã hội và nhân văn đều phải đề cập tới, nếu không phải là một đầu sách hay một hệ tư tưởng tiếp cận thì cũng là một essay khảo sát. Thế nhưng ngành học này không có được một hệ tư tưởng chủ đạo, khiến cho mọi bộ giáo trình dù đơn giản nhất cũng phải hợp đủ hàng chục đầu sách từ đủ mọi hướng tiếp cận khác nhau, và sinh viên hay người nghiên cứu lần đầu tiên bước chân vào đây phải tự tìm đọc đủ mọi quan điểm đang phổ biến trên các diễn đàn tranh luận nổi bật, để rồi cuối cùng không biết phải chọn hệ thống nào, hoặc phải tự mình chọn lựa và tích lũy các thành phần khác nhau rồi dồn sức xây dựng một hệ thống liên ngành riêng. Hệ thống đó không chỉ cần phải phù hợp với điều kiện và thực địa nghiên cứu, mà còn với cả chính bản thân người nghiên cứu - một phát hiện có thể coi là đóng góp của ngành nhân học hiện đại trong bối cảnh lịch sử đang phải vượt qua dấu chấm hết (Fukuyama 1992), còn xã hội học đang phải đi xuống tầm vi mô của các cộng đồng (Etzioni 2000, Putnam 2000, Lê Hải 2008d) và ảnh hưởng nhiều từ tâm lý học. Cá nhân luận (methodological individualism) với khả năng dung hòa tất cả các điều kiện trên hứa hẹn sẽ là giải pháp khoa học phù hợp cho các nghiên cứu dân tộc/quốc gia hiện nay. Nhưng đó lại là đề tài cho một bài viết tiếp theo mất rồi. Tuy nhiên, có thể thấy hiện tại một số blogger trên Talawas đã bắt đầu thử tiếp cận vấn đề theo hướng đó, có thể trực tiếp như Tôi Là Người Việt Nam của Đỗ Kh., như Xóm Nhà Lá của Phan Xuân Sinh, Tôi Là Ai của Bùi Văn Phú, Trần Mộng Tú, hay gián tiếp như hầu hết tất cả các blogger còn lại. Từ những tự sự nhìn lại (retrospective) chúng ta có thể xây dựng thành một hệ thống lý thuyết khoa học liên chủ quan (inter-subjective) về dân tộc Việt Nam, tức về chính bản thân mình trong các chiều của xã hội mình: thời gian - không gian, cá nhân - gia đình - địa phương - vùng miền - dân tộc - khu vực - thế giới, quá khứ - tương lai, vùng biên, chuyển đổi...


Tham khảo:

Anderson, Benedict [1983] 2002, [Những cộng đồng tưởng tượng: những suy tư về nguồn gốc và sự phát tán của chủ nghĩa dân tộc, tái bản có sửa chữa] Imagined communities: reflections on the origin and spread of nationalism, -rev. ed., Verso

Anesaki, Masahira 2008, [Quá trình tạo thành cá tính dân tộc: Vài so sánh giữa Nhật Bản và Việt Nam], tham luận tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, 5-7.XII.2008 tại Hà Nội.

Billig, Michael 1995, [Chủ nghĩa dân tộc vớ vẩn] Banal Nationalism, Sage

Birch, Anthony H. 1989, [Chủ nghĩa dân tộc và hội nhập dân tộc] Nationalism and national integration, Unwin Hyman

Cao Xuân Hạo 2003, Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt, NXB Trẻ

Donamide và Dorohiêm 2004, Bangsa Champa - Tìm về với một cội nguồn cách xa, Seacaef & Viet foundation, California

Đỗ Thiện 2003, [Siêu nhiên ở Việt Nam: Những góc nhìn từ miền Nam] Vietnamese Supernaturalism: Views from the South, Routledge

Eriksen, Thomas Hylland 2006, [Các dân tộc trong thế giới ảo] Nations in cyberspace, bài giảng Gellner năm 2006 tại LSE

Etzioni, Amitai 2000, [Một dân tộc của các nhóm thiểu số?] A Nation of Minorities?, The Responsive Community vol.10 issue 1 WInter 1999/2000

Fjelstad, Karen và Nguyễn Thị Hiền chủ biên 2006, [Nhập đồng: gọi hồn ở các cộng đồng Việt Nam đương đại, SEAP Cornell University

Fukuyama, Francis 1992, [Sự kết thúc của Lịch sử và Người cuối cùng] The End of History and the Last Man, Free Press

Geertz, Clifford 1973, [Diễn giải của Văn hóa, Tập hợp bài viết] The interpretation of Cultures, Selected Essays, University of Michigan, Basic Book

Gellner, Ernest [1983] 1993, [Các dân tộc và chủ nghĩa dân tộc] Nations and nationalism, Blackwell

Gellner, Ernest 1995, [Các dân tộc có cuống rốn hay không?] Do nations have navels? trong Smith, Anthony D. & Ernest Gellner 1995, [Cuộc tranh luận ở đại học Warwick] The Warwick Debates 24.X.1995

Gellner, Ernest 1997 [Tư tưởng dân tộc] Nationalism, Weidenfeld&Nicolson

Giddens, Anthony 1985, [Dân tộc - Quốc gia và Bạo lực] The Nation-State and Violence, Polity Press

Greenfeld, Liah 2004 [Chủ nghĩa dân tộc và não trạng] Nationalism and the Mind, Bài giảng thường niên mang tên Gellner tại London School of Economics 22.IV.2004, in lại trong tạp chí Nations and Nationalism 11.3 (July 2005):325-341

Hà Văn Thùy 2007, Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt, NXB Văn Học, các bài viết của Hà Văn Thùy có thể đọc trên mạng ở địa chỉ http://anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=contentbyauthor&author=HaVanThuy&name=H%C3%A0+V%C4%83n+Th%C3%B9y

Hall, Stuart 1996, [Ý nghĩa, Đại diện, Tư tưởng: Althusser và các cuộc Tranh luận Hậu Cấu trúc] Signification, Representation, Ideology: Althusser and the Post-Structuralist Debates, trong tập sách của James Curran ed. 1996, Cultural studies and communications, Arnold

Hall, Stuart chủ biên [1980] 1984 [Văn hóa, truyền thông, ngôn ngữ] Culture, media, language, Hutchinson

Hobsbawm, Eric J. [1990] 1992, [Các dân tộc và chủ nghĩa dân tộc từ 1780: chương trình, truyền thuyết, thực tại] Nations and nationalism since 1780: programme, myth, reality, Cambridge University Press

Hobsbawm, Eric J. biên tập [1983] 1984, [Truyền thống được tạo dựng] The invention of tradition, Cambridge University Press.

Hobsbawm, Eric J. 1998, [Những con người không thường gặp - Kháng chiến, Phiến quân và Jazz] Uncommon People - Resistance, Rebellion and Jazz, Orion

Hồ Tài Huệ Tâm 2001, [Đất nước của ký ức: Tái dựng quá khứ ở giai đoạn sau của Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa] The Country of Memory: Remaking of the Past in late Socialist Vietnam, University of California Press

Houben, Vincentius Johannes Hubertus 2008, [Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á: Tình thế và những so sánh] Vietnam in the context of Southeast Asia. Conjunctures and Comparisons, phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, 5-7.XII.2008 tại Hà Nội

Hungtington, Samuel 2005, [Chúng ta là Ai? Những Thách thức của Bản sắc Dân tộc Hoa Kỳ], Who are we? - The Challenges to America's National Identity, Simon&Schuster

Hữu Thọ chủ biên 2000, Hồ Chí Minh - Về công tác tư tưởng văn hóa, NXB Chính trị quốc gia

Ichijo, Atsuko & Gordana Uzelac ed. 2005, When is the nation?: towards an understanding of theories of nationalism, Routledge

James, Paul 1997, [Sự hình thành của Dân tộc - Tìm về một Lý thuyết cho Cộng đồng Trừu tượng] Nation Formation - Towards a Theory of Abstract Community, SAGE

Kedourie, Elie 1994 [Dân chủ và văn hóa chính trị Ả Rập] Democracy and Arab political culture, Frank Cass

Kleinen, John 1999 [Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ: nghiên cứu biến đổi xã hội ở một làng Bắc Việt Nam] Facing the future, reviving the past: a study of social change in a Northern Vietnamese village, ISAS, bản tiếng Việt do NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2007

Koh, David W.H. 2006, [Phường ở Hà Nội], Wards of Hanoi, ISAS

Kwon, Heon-ik 2008, [Hồn ma cuộc chiến ở Việt Nam] Ghosts of War in Vietnam, Cambridge University Press

Lê Hải 2008a, Chủ nghĩa Mác đương đại, talawas 13.III.2008 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12550&rb=0306

Lê Hải (dịch) 2008b, Người cộng sản kiên định, (dịch từ buổi nói chuyện của Eric Hobsbawm 2004 Interesting Times: A Twentieth Century Life, UCLA), talawas 19.3.2008 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12616&rb=0306

Lê Hải (dịch) 2008c, Giải nghĩa lịch sử, (dịch từ lời dẫn cho loạt sách về lịch sử sau tuyên bố chấm dứt của Fukuyama), talawas 2.XI.2008 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14651&rb=0302

Lê Hải 2008d, Chủ nghĩa cộng đồng, talawas 15.II.2008 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12296&rb=0306

Lê Mạnh Thát 2001, Lịch sử âm nhạc Việt Nam - từ thời Hùng Vương đến Lý Nam Đế, NXB tp.HCM

Lữ Phương 1998, Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, bản điện tử ở http://www.viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_ChuNghiaDanTocVietNam.htm

Lương Văn Hy 2007, [Chuyển đổi cơ cấu của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam 1954-2006] The Restructuring of Vietnamese Nationalism, Pacific Affairs, University of British Columbia

Malarney, Shaun Kingsley 2002, [Văn hóa, tín ngưỡng và cách mạng ở Việt Nam] Culture, ritual and revolution in Vietnam, University of Hawaì Press

Marr, David G. 2004, [Lược sử chính quyền địa phương ở Việt Nam] A Brief History of Local Government in Vietnam, trong Benedict J. Kerkvliet và David Marr chủ biên 2004, Beyond Hanoi: local government in Vietnam, ISAS

Nam Phan 2008, Đi tìm căn cước thật của Việt Nam, Đàn Chim Việt 22.I.2008

Ngô Sĩ Long 2008, [Cộng đồng di dân Việt Nam toàn cầu] The Global Vietnamese Diaspora, bản thảo điện tử trên trang blog của ĐH Houston ở địa chỉ http://blogs.bauer.uh.edu/vietDiaspora/2008/introduction/

Nguyễn Khoa Điềm chủ biên 2001, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, NXB Chính trị quốc gia

Phạm Tường và Việt Hoàng 2006, Nguồn cội văn hóa thần minh Đại Việt, NXB Văn Nghệ

Putnam, Robert 2000, [Chơi bowling một mình: Sự sụp đổ và phục hồi của cộng đồng Mỹ] Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community, Simon & Schuster, essay trước đó (1995) được lưu trên mạng ở địa chỉ http://xroads.virginia.edu/~HYPER/DETOC/assoc/bowling.html

SarDesai, D.R. 1992, [Việt Nam: Cuộc kháng chiến cho Bản sắc Dân tộc] Vietnam: The Struggle for National Identity, Westview Press

Smith, Anthony D. 1995, [Các dân tộc và quá khứ của họ] Nations and their pasts, trong Smith, Anthony D. & Ernest Gellner 1995, [Cuộc tranh luận ở đại học Warwick] The Warwick Debates 24.X.1995

Smith, Anthony D. 1998, [Chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa hiện đại] Nationalism and Modernism, Routledge

Smith, Anthony D. 2000a, [Dân tộc trong lịch sử: Các cuộc tranh luận sử-địa về dân tộc và chủ nghĩa quốc gia] The Nation in History: Historiographical Debates about Ethnicity and Nationalism, Polity Press

Smith, Anthony D. 2000b, [Các dân tộc và chủ nghĩa dân tộc trong thời đại toàn cầu] Nations and nationalism in a global era, Polity Press

Smith, Anthony D. 2009, [Chủ nghĩa sắc tộc - biểu tượng và chủ nghĩa dân tộc; Một tiếp cận văn hóa] Ethno-symbolism and Nationalism; A cultural approach, Routledge

Stalin, J.V. 1913, Marxism and the National Question, Prosveshcheniye, bản tiếng Anh trên mạng ở địa chỉ http://www.marxists.org/reference/archive/stalin/works/1913/03.htm

Sutherland, Claire 2008, [Hòa hợp giữa quốc gia và khu vực: Tiến trình xây dựng dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa khu vực của ASEAN] Reconciling Nation and Region: Vietnamese Nation Building and ASEAN Regionalism, Political Studies 2008

Szacki, Jerzy 2003, [Lịch sử tư tưởng xã hội - Ấn bản mới] Historia mysli socjologicznej - Wydanie nowe, PWN

Taylor, Nora A. [2004] 2009, [Các họa sĩ ở Hà Nội - Một nghiên cứu dân tộc ký về mỹ thuật Việt Nam] painters in hanoi - An Ethnography of Vietnamese Art

Taylor, Philip chủ biên 2007, [Hiện đại và tái mê tín: tôn giáo ở Việt Nam sau cách mạng] Modernity and re-enchantment: religion in post-revolutionary Vietnam, ISAS

Tilly, Charles 1993, [Các cuộc cách mạng châu Âu 1492-1992] European revolutions, 1492-1992, Blackwell

Tonnesson, Stein và Hans Antlov [1996] 1998 [Các loại hình châu Á của quốc gia] Asian Forms of the Nation, Curzon

Trần Ngọc Thêm 2001, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB tp.HCM

Trần Quốc Vượng chủ biên 2002, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục

Trần Trọng Kim 1919, Việt Nam sử lược, TT học liệu bộ giáo dục

Trần Văn Chi 2005, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, NXB Xưa Và Nay, Canada

Trường Chinh 1943, Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Talawas

Trương Thái Du 2007, Cổ sử Việt Nam, một cách tiếp cận vấn đề, NXB Lao Động, các bài viết của Trương Thái Du có thể đọc trên mạng ở địa chỉ http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/tulieu_tacgia.asp?TGID=742&LOAIID=17&LOAIREF=5

van den Berghe, Pierre [1978, 1979] 1981 [Hiện tượng sắc tộc] The Ethnic Phenomenon, Elsevier

Vasavakul, Thaveeporn 1998, Ý thức dân tộc Việt Nam trong cách nhìn so sánh, bài viết trình bày tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất tại Hà Nội 15-17.VII.1998, in lại trong Phan Huy Lê chủ biên 2002, Các nhà Việt Nam học nước ngoài Viết Về Việt Nam, NXB Thế giới

Wilson, Andrew 2002, [Người Ukraina: Dân tộc bất ngờ] The Ukrainians: Unexpected Nation, Yale University Press

Winichakul, Thongchai 1994, [Siam được bản đồ hóa: Lịch sử tạo thân địa lý cho một dân tộc] Siam Mapped: A History of the Geo-body of a Nation, University of Hawaii
[1] Tác giả đang là nghiên cứu sinh về đề tài Bản sắc dân tộc tại Viện hàn lâm khoa học Ba Lan, viện Triết và Xã hội học, đồng thời cũng là hội viên của hiệp hội nghiên cứu các vấn đề dân tộc ASEN, LSE, Anh quốc. Email liên hệ thanhai@wp.pl
[2] Một số tri thức Việt Nam từng thử nghiệm với đếch-ism như trên diễn đàn Thanh Niên Xa Mẹ (Tathy/Thăng Long), lưu trữ ở địa chỉ mạng http://www.tathy.com/thanglong/archive/index.php/t-10.html, hoặc từng được đăng lại trên talawas.org
[3] Các học giả nêu tên trong bài đều được tác giả soạn chuyên mục giải thích trên trang Wikipedia tiếng Việt để tiện cho độc giả có thể vào tra cứu và tìm hiểu thêm.
[4] Câu hỏi này tiếp tục là đề tài cho các cuộc tranh luận sau này như tên gọi cho phiên hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 14 của Hiệp hội nghiên cứu dân tộc ASEN tổ chức ở London 23-24.IV.2004: When is the nation?: the debate, mà một số tham luận được in thành sách (Ichijo&Uzelac ed. 2005)
[5] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/03/050322_anderson_nationalism.shtml
[6] Như đã trình bày, tức là sử dụng primordialism hoặc perenialism. Bạn đọc quan tâm về các lối phân chia có thể tìm đọc các giáo trình của Anthony Smith (2000a, 2000b, 2009), cũng có phân tích sâu hơn về mâu thuẫn giữa lối tư duy voluntarism - được coi là đặc trưng cho văn hóa Anglo-Saxon, tức là mỗi cá nhân có quyền chọn lựa dân tộc cho mình và organicism - trường phái lãng mạn Đức, cho rằng dân tộc gắn liền với mỗi cá nhân từ khi sinh ra, hay các cơ sở của trường phái instrumentalism
[7] Thaveeporn Vasavakul (1998) từng có phân tích rất chi tiết về khác biệt giữa hai hệ thống ý thức về dân tộc thông qua hai nền giáo dục khác nhau giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam trong khoảng thời gian 1945-1965.
[8] Ví dụ như United States (of America) là Hiệp chủng Quốc và United Nations là Liên hiệp Quốc.
[9] Các hệ thống khái niệm đương đại cũng được tác giả bài viết giới thiệu trên trang blog ở địa chỉ bansacdantocvietnam.blogspot.com

Thursday, September 17, 2009

Vietnam 2008

Paris Conference

Việt Nam 2008: Chuyển dịch trong não trạng xã hội - nhân văn
Lê Thanh Hải, thanhai@wp.pl



Bài viết này là kết quả của một nghiên cứu mang tính khảo sát (exploration) xem liệu 2008 có thể được coi là năm bản lề cho ngành xã hội - nhân văn tại Việt Nam hay không. Bên cạnh các quan sát (participant observation) tập trung dần vào những sự kiện nổi bật là một số phỏng vấn (in-depth interview) và tư liệu từ 20 nhân vật thượng tầng[1]. Phương pháp phân tích dựa trên dữ liệu (grounded theory) được áp dụng để hiểu (understanding) xu hướng chuyển dịch trong não trạng của một góc thượng tầng cơ sở tại Việt Nam.

Các sự kiện nổi bật

Các sự kiện nổi bật trong những hoạt động xã hội nhân văn tại Việt Nam của năm 2008 được chọn ra không phải từ sự nổi tiếng trên báo chí hay nhận định chính thức trong ngành hoặc chủ quan của người khảo sát, mà là một đánh giá liên chủ quan (inter-subjective) qua những câu chuyện trao đổi giữa người khảo sát và giới quan tâm, tức là những sự kiện được họ chú ý và đánh giá là quan trọng nhất. Theo đó, hội thảo đánh giá lại về triều Nguyễn được tổ chức ở Thanh Hóa trong các ngày 18-20.X.2008 có thể được coi là tín hiệu đổi mới trong ngành sử - hệ tư tưởng chủ đạo cho ngành xã hội nhân văn. Giáo sư Đinh Xuân Lâm và Phan Huy Lê là hai trong bốn cây đại thụ của ngành sử học Việt Nam (tứ trụ: Lâm-Lê-Tấn-Vượng) đã tuyên bố công nhận công trạng của triều Nguyễn và thú nhận đã nói sai sự thật trong suốt 20 năm qua (đặc biệt trong bài trên báo Sài Gòn Tiếp Thị 20.X.2008).

Trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều cuộc hội thảo trong ngành xã hội - nhân văn được tổ chức ở các tỉnh nhưng sự kiện thuộc loại tập trung nhiều tri thức nhất chính là hội thảo quốc tế lần ba về Việt Nam học, được tổ chức ở hội trường Mỹ Đình, Hà Nội 4-7.XII.2008, với trên 578 bài viết được in trong Kỷ yếu là một đĩa CD. Sự kiện này được tổ chức thành công trong bối cảnh sau hội thảo lần 1 ở Hà Nội vào năm 1998 và lần 2 ở tp.HCM vào năm 2004 thì có những ý kiến cho rằng sẽ không ai tổ chức tiếp lần 3. Từ góc cạnh khác, một số ấn phẩm muốn xác định là đang có một ngành học rất mạnh nghiên cứu về mọi lãnh vực của xã hội Việt Nam, đã định hình và phát triển từ 20 năm qua. Với số lượng trên 70 khoa Việt Nam học và khoảng 300 môn học có tên là Việt Nam học, ảnh hưởng của ngành này đối với tư duy của sinh viên và thế hệ trẻ trong xã hội là đặc biệt đáng quan tâm.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam có bộ sách trong ngành khoa học xã hội và nhân văn mà chủ quan tôi đánh giá thực sự là sách khoa học đủ tiêu chuẩn, mặc dù lượng tri thức được lưu trữ bên trong còn chưa cao. Nâng cấp và đặt chuẩn khoa học cho ngành xã hội và nhân văn của Việt Nam cũng chính là mục tiêu mà quĩ Yenching Harvard đã đặt ra khi tài trợ cho việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản quyển sách do Lê Hồng Lý chủ biên, Nguyễn Thị Hiền xây dựng hệ thống: Sự biến đổi của Tôn giáo Tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, NXB Thế Giới 2008[2].

Do thời gian dành cho khảo sát này có hạn, tôi không đặt ra mục tiêu mô tả toàn cảnh hay diễn giải liên kết, mà chỉ tập trung vào các vấn đề mà mình quan tâm chủ quan nhất là lý thuyết khu vực học, khái niệm liên ngành, và biểu hiện đáng chú ý từ phía lãnh đạo quốc gia, trong bối cảnh ba sự kiện nổi bật vừa liệt kê là các tuyên bố mang tính đổi mới về sử học, sự tập trung về các công trình nghiên cứu, và một bước nâng cấp chất lượng sách khoa học xã hội nhân văn.

Các vấn đề của Khu vực học

"Khu vực học" đang là hệ thống lý thuyết được khuyến khích sử dụng ở Viện Viện Nam học và Phát triển (viện trưởng Nguyễn Quang Ngọc, GSTS sử học), và hệ thống trường chịu ảnh hưởng của Đại học quốc gia Hà Nội (hiệu phó Vũ Minh Giang, GS TSKH sử học). Trường phái này ảnh hưởng mạnh từ Nhật thông qua Đại học Tokyo (hiệu phó Furuta Motoo, GS TS Việt Nam học, chủ tịch hội hữu nghị Việt - Nhật, GS Yumio Sakurai, chủ tịch hội nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản, giải thưởng VN học 2008). Nhưng ngoài từ khóa Area Studies hiện vẫn đang còn chưa thống nhất về dịch thuật ("khu vực học" được đặt trong ngoặc kép trong bài của Furuta Motoo, Nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam học được dịch là Vietnamese Studies trong kỷ yếu và tên gọi của hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 tại Hà Nội), hầu như không có nền móng gì về lý thuyết ngoài một vài tổng hợp sơ sài (xem thêm Trần Lê Bảo 2008, chương 1 và 2). Thực ra ngay chính khu vực học đã là một vấn đề rắc rối chưa được giải quyết cơ bản về mặt lý thuyết.

Bắt đầu từ nhu cầu của Hoa Kỳ và đặc biệt là cơ quan OSS (tiền thân của CIA) trong Đại chiến thế giới lần 2, các nghiên cứu từ nhiều ngành khác nhau được khoanh vùng địa lý chính trị hoặc xã hội văn hóa, xoay quanh trào lưu viết sử khu vực của đại học Cambridge ở Anh (đọc thêm Szanton 2003, Kuijper 2008), nghiên cứu các khu vực khác nơi mình đang sống. Sau này các nước như Nhật Bản vận dụng chuyển thành hệ thống lý thuyết nghiên cứu chính bản thân mình (giới thiệu của Furuta Motoo 2008). Quá trình phát triển và lan rộng của khu vực học phần nhiều nhờ sự giúp sức của Ford Foundation và các quĩ học bổng của Hoa Kỳ, cũng đặt ra một câu hỏi là liệu sự rút chân của Ford Foundation ra khỏi Việt Nam (cũng là nhà tài trợ của hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 tại Hà Nội) có ảnh hưởng gì đến sự tồn tại của trường phái lý thuyết này ở Hà Nội hay không.

Về mặt lý thuyết, khi vận dụng tại Việt Nam hệ thống này cần phải kết hợp được giữa hai xu hướng đương đại: nghiên cứu bên ngoài như ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây, và nghiên cứu chính mình như đã vận dụng ở Nhật. Đó là chưa kế đến chuyện Việt Nam học ở phương Tây thường nằm trong một ngành "khu vực học" rộng hơn như nghiên cứu châu Á, Đông Á, Thái Bình Dương, Đông Nam Á... và Việt Nam học hiện nay ở Việt Nam còn được hiểu là dạy tiếng Việt và lịch sử, văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài. Khi tiếp nhận một hệ thống lý thuyết, mỗi quốc gia thường gặp rất nhiều vấn đề về diễn dịch (không đơn giản là dịch thuật) giữa hai nền văn hóa, vì có những khái niệm được hiểu hoàn toàn khác, hoặc có những hiện tượng quan trọng của địa phương lại không được các học giả phương Tây chú ý trong hệ thống lý thuyết của họ. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phải giải quyết rất nhiều vấn đề phát sinh khi xây dựng hệ thống nghiên cứu cho mình (xem thêm bộ sách của Yoshio Sugimoto và Ross E. Mouer 1989, đặc biệt chương 10 của Harumi Befu). Một vấn đề nữa cũng không kém quan trọng là hiện nay đa số nền tảng hệ thống của các nghiên cứu "khu vực học" là theo lối đa ngành, hoặc xuyên ngành, mà để đạt đến liên ngành ngay cả ở các nước phương Tây người ta vẫn đang cần phải xây dựng thêm rất nhiều, đòi hỏi phải góp sức từ các ngành triết học khoa học rất khó về hệ thống như cybernetic và complexity (Kuijper 2008).

Thói quen hiện nay ở Việt Nam đối với các công trình nghiên cứu Việt Nam là cứ "sử dụng" kết quả, không ngó ngàng gì đến phương pháp lý thuyết, một điều khá nguy hiểm trong thời sau hậu hiện đại, khi vị trí Tôi của người nghiên cứu được coi là vô cùng quan trọng và liên kết chặt với kết quả và trình bày. Chuyện sử dụng bừa bãi như vậy kéo theo nguy cơ có hại cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, tiếp tục què cụt và hậu thuộc địa. Nhưng hình như chuyện này chưa được mấy ai quan tâm đến.

Đa, xuyên, hay liên ngành?

Khẩu hiệu của ngành Việt Nam học luôn là "định hướng liên ngành" (báo cáo của Nguyễn Quang Ngọc 2008 và tên bộ sách do Viện VN học và Phát triển biên soạn 2008b) nhưng có lẽ suốt 20 năm qua "định hướng" vẫn nhiều hơn là "liên ngành". Ngay chính người tổ chức biên soạn kỷ yếu cho hội thảo Việt Nam học 2008 cũng nhận là vẫn sắp xếp bài theo hệ thống truyền thống, tức vẫn là sử, cổ sử, văn hóa, kinh tế v.v. Bản thân chính ngay tiểu ban chuyên về hệ thống lý thuyết (TB15) cũng không có bài viết nào mang tính tổng hợp lý thuyết cho toàn bộ hội thảo hay ít nhất là hướng ngành. Yếu kém về lý thuyết như mô tả ở phần trên (mà Trần Quốc Vượng cũng từng nhận trong phỏng vấn trên Đại Đoàn Kết 23.11.2004, hoặc Đỗ Lai Thúy viết về Hà Văn Tấn trên Văn Hóa Nghệ Thuật 1.2006) là một phần lý do khiến chủ trương liên ngành hầu như chưa được thực hiện, nhưng một lý do khác không kém phần quan trọng là não trạng "văn hóa từ chương" trong giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay. Nhiều giảng viên đại học hoảng hốt khi được đề nghị chỉ dạy cho sinh viên hệ thống lý thuyết, để các em tự đi thực địa nghiên cứu và tìm ra các kết luận về văn hóa địa phương, một bài tập đơn giản cho sinh viên năm thứ nhất đại học ở bên này hoặc thậm chí học sinh phổ thông cuối cấp khi học các môn xã hội nhân văn. Vị tiến sĩ nọ vẫn nghĩ rằng mình phải nghiên cứu từ đầu đến đuôi rồi mới "dạy" cho các em sinh viên biết, giống như dạy cho học sinh cấp một hoặc mẫu giáo. Hình thức "đọc và chép" (kể cả từng dấu chấm phẩy, như thỉnh thoảng lại có một bài báo chỉ trích) vẫn còn khá phổ biến ở nhiều trường đại học. Một giảng viên khác thích "sáng kiến" cho sinh viên tự tư duy, nhưng ngay lập tức bi quan vì nhìn quanh không thấy có sinh viên nào đủ chịu chơi học kiểu đó. Chưa nói đến chuyện sinh viên cao học hay nghiên cứu sinh tiến sĩ nghiên cứu lý thuyết, vì "chỉ cần nếu nói trái thầy X thì đã còn lâu mới mong bảo vệ được luận văn". Cách hay nhất có lẽ là cứ lắp ghép và trình bày theo kiểu đa ngành rồi ngồi chờ hội đồng chấm thi sẽ chấp nhận đây là liên ngành để mà lãnh bằng cấp (thực ra đây cũng là các vấn đề của khoa học các nước trước khi định hình rõ cấu trúc liên ngành, như Hoa Kỳ trong thập niên 1980, đọc thêm Klein 1990).

Tuy nhiên, trong bối cảnh chật chội khó khăn như vậy, cũng có những đột phá như công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của TSKH Trần Ngọc Thêm (khi đó được GS Phạm Đức Dương đồng ý viết lời tựa) sử dụng lý thuyết ngữ nghĩa và phân loại của ngôn ngữ học vào xây dựng mô hình lý thuyết văn hóa, chỉ có điều là hệ thống này còn quá yếu nếu so sánh với Văn hóa học của Stuart Hall (ngành học thuộc nhóm ảnh hưởng và ứng dụng mạnh nhất hiện nay tại Anh, được xây dựng từ thập niên 1970s). Hi vọng là với vai trò chủ nhiệm khoa Văn hóa học vừa được thành lập ở tp.HCM vào cuối năm 2008, GS Thêm sẽ có điều kiện để nâng tầm hệ thống lý thuyết của mình. Việc ứng dụng lý thuyết ngôn ngữ vào văn hóa khá phổ biến tại Việt Nam, một phần có thể do giảng viên khoa ngôn ngữ có điều kiện học ở nước ngoài, sử dụng vốn kiến thức sẵn có để bước sang ngành mới, và đem trở về nước ứng dụng. Một trong số những công trình được đánh giá cao có nhiều chuyên gia ngôn ngữ tham gia là tập sách về "Sự biến đổi của Tôn giáoTín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay" (Lê Hồng Lý chủ biên 2008), do chương trình Harvard Yenching tài trợ. Sử-Địa cũng là sự kết hợp xuyên ngành lâu đời ở Việt Nam. Tuy nhiên, trào lưu đương đại về kết hợp hay đúng hơn là ảnh hưởng áp đảo của nhân học vào sử học - vốn lao đao sau tuyên bố "Lịch sử kết thúc" của Fukuyama - hầu như còn rất xa lạ với ngay cả giới sử gia ở Việt Nam. Đó là chưa kể các giới hạn về ngoại ngữ, thời gian (vì phải lo chạy sô dạy để kiếm sống, hay kiêm nhiệm việc hành chính) và tiền bạc (mua sách nước ngoài) khiến cho giới chuyên gia đầu ngành hầu như không tiếp cận với các hệ thống lý thuyết dòng chính và đương đại trên thế giới hay trong vùng (có thể đọc thêm hướng dẫn giáo khoa của Lattuca 2001 về phương pháp xây dựng ngành học liên ngành).

Nhìn rộng ra thì vấn đề thiếu liên ngành thực sự không chỉ là đặc thù riêng của Việt Nam học ở Việt Nam. Một số trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài vẫn dùng hình thức đa ngành hoặc một số tiếp cận theo hướng liên ngành hơn là một ngành học liên ngành (các dạng thức khác nhau được mô tả bằng các từ chuyên ngành như là pseudo-, auxiliary-, composite-, linear-, supplementary-, unifying-, method-, concept-, border-, problem-, restrictive-, structural-, và hibrid- disciplinary, đọc thêm Klein 1990). Hệ thống lý thuyết tại Viện Việt Học ở California của GS Trần Ngọc Ninh (viện trưởng từ 2003-2008, viethoc.org) chủ yếu là giao thoa (trans-disciplinary) Văn-Sử, còn ngành tạm gọi là quốc học (Vietnamologica ở Canada, An Việt ở Anh anvietuk.org, Định Hướng ở Pháp của GS Nguyễn Đăng Trúc) thì tiếp nối sự kết hợp Văn-Triết, vốn là hai trào lưu quen thuộc trong khoa học xã hội và nhân văn ở miền Nam trước 1975. Hiện nay còn có thêm một hướng mới của GS Trần Hữu Dũng (viet-studies.info) và nhóm hội thảo hè cũng trên con đường "định hướng liên ngành" theo từng chủ đề quan tâm của mỗi năm, mà trong biến chuyển về tư duy bắt đầu có dấu hiệu "nhìn lại" (retrospective - tiêu đề của hội thảo năm nay) cho phép phán đoán về một bước bắt đầu định hình tư duy lý thuyết, nhưng chưa thực sự tìm hiểu sâu về lý thuyết trong ngành xã hội - nhân văn.

Não trạng lãnh đạo

Trong bối cảnh đảng cộng sản Việt Nam chuẩn bị tổ chức hội nghị trung ương, năm 2008 cũng là thời điểm thích hợp để đánh giá và ghi nhận các phát triển đáng kể về mặt tư duy lãnh đạo. Sau chính sách văn hóa hậu đổi mới được trưởng ban văn hóa tư tưởng mà sau này cũng là bộ trưởng bộ văn hóa thông tin Nguyễn Khoa Điềm (2001) đưa ra, nhiều nét văn hóa truyền thống được hồi sinh hoặc được dùng để xây dựng các biểu tượng văn hóa mới (Malarney 2002). Các hoạt động tín ngưỡng dân gian lén lút nhưng sức sống rất mạnh nay được hợp pháp hóa sự tồn tại, và không ít những điều từng được coi là mê tín dị đoan phản khoa học nay được khuyến khích phục hồi trở lại. Đảng viên cộng sản vốn vô thần nay cũng cầu hồn tìm xác, xin sớ đền Trần, vay tiền bà chúa Kho và đặt bàn thờ thánh thần ngay trong cơ quan nhà nước. Các đánh giá về văn hóa của Unesco, các mục tiêu khác nhau trong khuyến khích văn hóa của các đại sứ quán và quĩ phát triển nước ngoài cùng với những ảnh hưởng từ làn sóng toàn cầu hóa và hội nhập như sự kiện Việt Nam làm thành viên WTO và Hội đồng bản an Liên hiệp quốc (Đỗ Hoài Nam 2008) cũng góp phần làm mặt bằng tư tưởng thêm đa dạng, khiến nhu cầu về "hiểu" môi trường xung quanh và "hiểu" chính bản thân ngày càng cao.

"Việt Nam phải tự hiểu mình. Cái đó là cần. Nhưng mà mình cũng cần phải lắng nghe ý kiến của người khác. Cá nhân tôi mà nói, không bao giờ mình tự đánh giá mình đúng được. Mình đánh giá mình dễ thành chủ quan lắm. Chính mình hiểu mình nhưng mình cũng dễ chủ quan lắm đó. Nhưng mình nhờ đồng chí, anh em góp ý thêm thì nó sẽ sáng lên. Cho nên tôi rất tâm đắc là các bạn hãy nghiên cứu và góp ý kiến với chúng tôi. Góp ý kiến một cách chân thành và thẳng thắn. Đừng vì yêu Việt Nam mà có những cái mình muốn nói nhưng rồi thôi cũng không nói. Tôi tin rằng chuyên đó có xảy ra. Các bạn hãy thẳng thắn với Việt Nam để Việt Nam nhìn thấy những cái yếu của mình." (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trích phần trao đổi với các chuyên gia Việt Nam học từ nước ngoài 5.12.2009)

Bên cạnh việc lắng nghe góp ý của người khác, tức là tiếp nhận kết quả từ quá trình tư duy và phân tích của họ, thì bản thân mỗi người còn có thể được chuyển giao phương pháp "hiểu" mình để tự cho ra kết quả chính xác và toàn diện nhất về bản thân. Nhưng như đã trình bày trong hai phần trước, khả năng tiếp nhận lý thuyết của giới khoa học Việt Nam còn rất yếu. Ngoài ra, quá trình xây dựng lý thuyết cũng thiếu rất nhiều nguyên liệu để thử nghiệm, là những hệ giá trị lý luận mà Việt Nam chưa chấp nhận, chưa hiểu, hoặc không hề có sẵn hệ thống khái niệm tương đương hay gần gũi dể diễn dịch. Tuy vậy, ít nhiều giới khoa học hàng đầu bắt đầu cảm nhận rằng cần phải "cởi bỏ trói buộc" nếu không muốn "đứng ngoài dòng chảy của thời đại" (Phạm Quang Minh 2008), phải đặt câu hỏi về lăng kính nhìn nhận thế giới, đặc biệt là sau tuyên ngôn mang tính cách mạng của Fukuyama về "sự cáo chung của lịch sử". Lăng kính đó không nhất thiết phải đồng chất, mà trong điều kiện khoa học sau hậu hiện đại, nó có thể là một cấu trúc với đủ những góc nhìn vùng pha lẫn giữa không gian và thời gian (Vincent Houben 2008), giới tính (Haris & Nguyễn Khánh Linh 2008), vĩ mô hay vi mô, vùng hay khu vực, trung ương hay địa phương...

Nhận định gợi mở

Phân tích các diễn biến về tư duy xã hội - nhân văn ở Việt Nam trong năm 2008 giúp đưa ra một số sự kiện hay chính xác hơn là quá trình biện chứng theo cách hiểu discourse của Hall (1984). Khảo sát sơ bộ những dữ kiện thu thập được từ những điểm đáng chú ý đó (bài viết, phỏng vấn, dữ liệu nguồn và liên đới) cho thấy một số vấn đề đáng chú ý, là tư duy cởi mở và tích cực hội nhập của giới lãnh đạo Việt Nam (decision-makers), nhưng khả năng và trình độ của tầng lớp chuyên gia giúp hoạch định chính sách và giáo dục xã hội (stakeholders) lại vốn rất yếu về lý thuyết và khả năng tiếp nhận các thay đổi về học thuật đang tăng tốc trên thế giới. Đây chính là khu vực mà các chuyên gia Việt Nam đang sống ở nước ngoài có thể là nhóm duy nhất có thể giúp đỡ cho nền khoa học xã hội - nhân văn tại Việt Nam, thông qua nghiên cứu lý thuyết nguồn và diễn dịch, bản địa hóa cho các hệ thống lý thuyết lớn đương đại.

Tham khảo:

Befu, Harumi 1989, The Emic-Etic Distinction and Its Significance for Japanese Studies, chapter 10 in Yoshio Sugimoto & ROss E. Mouer ed., Constructs for Understanding Japan, Kegan Paul International, London & New York, p.323-343

Bowen, John 2003, The Development of Southeast Asia Studies in the United States, UCIAS Edited Volume 3, The Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, GAIA, University of California Press 2003 art. 10 online version at http://repositories.cdlib.org/cgi/viewcontent.cgi?article=1031&context=uciaspubs/editedvolumes

de Sausure, Ferdinand 1973, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

Đỗ Hoài Nam 2008, Diễn văn khai mạc hội thảo Việt Nam học, Hà Nội 4-7.12.2008

Fukuyama, Francis 1992, The End of History and the Last Man, Free Press

Fututa Motoo 2008, Một vài suy nghĩ về "Khu vực học", VNH3.TB15.780

Hall, Stuart 1984 (1980), Culture, media, language, Hutchinson&Co Publisher

Harris, Jack Dash & Nguyễn Khánh Linh 2008, Vietnamese Masculinity and Gender Relations, 4-7.12.2008

Houben. Vincent 2008, Vietnam in the context of Southeast Asia. Conjunctures and Comparisons, 4-7.12.2008

Klein, Julie Thompson 1990, Interdisciplinarity: History, Theory & Practice, Wayne State University Press

Kuijper, Hans 2008, Area Studies versus Disciplines: Towards an Interdisciplinary, systemic country approach, in The International Journal of Interdisciplinary Social Sciences, vol.3 Issue 7 p.205-216, electronic version at http://www.asvj91.dsl.pipex.com/Hans_KUIJPER/AREA_STUDIES_Vs_DISCIPLINES_Hans_KUIJPER.pdf

Kurczewska, Joanna 2006, [Working ideology of locality. Old and new schemes] Robocze ideologie lokalnosci. Stare i nowe schematy, in Kurczewska ed. 2006, Obilcza Lokalnosci - Tradycja i wspolczesnosc, IFiS PAN

Labov, William 1972, Socio-linguistic Patterns, University of Pennsylvania Press

Lattuca, Lisa R. 2001, Creating Interdisciplinarity: Interdisciplinary Research and Teaching among College and University Faculty, Vanderbilt University Press

Malarney, Shaun Kingsley 2002, Culture, Ritual and Revolution in Vietnam,

Neustupný , J.V. 1989, The Role of Typologies in Understanding Japanese Culture and Society: From Linguistics to Social Science, chapter 11 in Yoshio Sugimoto & ROss E. Mouer ed., Constructs for Understanding Japan, Kegan Paul International, London & New York, p.344-380

Nguyễn Khoa Điềm 2001, Xây dựng và Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Quang Ngọc 2008, Việt Nam học ở Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, VNH3.TB15.598

Nguyễn Quang Ngọc chủ biên 2008b 20 năm Việt Nam học theo định hướng liên ngành, NXB Thế Giới

Nguyễn Thị Hiền 2008, Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đương đại, trong Lê Hồng Lý chủ biên 2008, Sự biến đổi của Tôn giáo Tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, NXB Thế Giới

Phạm Quang Minh 2008, Việt Nam nhìn thế giới như thế nào, Hà Nội 4-7.12.2008

Szaton, David L. 2003, The Origin, Nature, and Challenges of Area Studies in the United States, in UCIAS Edited Volume 3, The Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines, GAIA, University of California Press 2003 art. 1 online version at http://repositories.cdlib.org/cgi/viewcontent.cgi?article=1058&context=uciaspubs/editedvolumes

Trần Lê Bảo 2008, Khu vực học và Nhập môn Việt Nam học, NXB Giáo dục, 160 trang

Trần Ngọc Thêm 2001 (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB tp.HCM

Trần Ngọc Thêm 2008 Tính cộng đồng của người Việt và những vấn đề của nó trong thời kỳ hội nhập và phát triển, VNH3.TB2 (abstract only)

Vũ Minh Giang 2008, Nghiên cứu Việt Nam từ tiếp cận văn hóa tộc người và quốc gia - dân tộc, VNH3.TB15.779

Vũ Minh Giang 2008b, Việt Nam học trên đường hội nhập và phát triển, Hà Nội 4-7.12.2008
[1] Xuất phát điểm về mặt lý thuyết xã hội học của khảo sát này là coi xã hội là một project mà quá trình biến đổi xã hội thực ra là việc thực hiện một dự án, mà các nhân vật thượng tầng giữ vai trò xây dựng thiết kế và lên kế hoạch dẫn dắt, còn ở phía bên kia là những người tham gia một cách tài tử hoặc thụ động. Khi đó chuyển dịch não trạng của xã hội có thể được tái hiện lại qua khảo sát các sự kiện nổi bật và nhận định của các thành viên trong đó (Kurczewska 2006).
[2] Thông tin thêm về chương trình của Harvard Yenching ở Việt Nam và chính sách chung của quĩ có thể truy cập qua trang mạng: http://www.harvard-yenching.org/publications-and-projects/vietnamese-publication-series/

Monday, September 14, 2009

Minh triet va Phat trien

Minh triết và Phát triển
Lê Thanh Hải[1]
DRAFT - cho Hội thảo Minh triết tại HN 22.9.2009

Tìm về Minh triết đang là trào lưu trên thế giới và cũng là một hướng đi mới trong nghiên cứu xã hội - nhân văn tại Việt Nam, mà có vẻ trước mắt đang tập trung vào "sưu tầm và tổng kiểm kê" (Hoàng Ngọc Hiến 2009). Từ góc độ sử học và triết học, nhiều người muốn đi sâu vào cốt lõi của hạ tầng tư duy (Francois Jullien 2008), hay muốn lần ngược dòng thời gian về thời Kim Định, Ngô Thời Sĩ, hoặc về cả thời sơ khai như Lạc Việt, Văn Lang (Phạm Tường & Việt Hoàng 2006), mà nhìn chung là lấy minh triết làm trung tâm. Từ góc độ xây dựng chính sách phát triển, có thể nhìn ví dụ đảng mới nắm quyền ở Nhật DPJ đang chủ trương tận dụng thế mạnh của minh triết để làm thành phần cho "quyền lực mềm" nhằm phát triển tư tưởng ngoại giao Đông Á như (Okada 2005). Khi đó chỉ một phần "hữu dụng" của hệ thống minh triết được sử dụng, tức là được đào sâu nghiên cứu và đặt trong mối quan hệ tổng thế của xã hội đương đại. Tương tự vậy, từ góc nhìn của người viết bài này là nhân học phát triển cho Việt Nam, thì không chú ý đến những hệ giá trị minh triết từng hưng thịnh trong quá khứ, mà chỉ cần xét một vài nét minh triết đang duy trì trong xã hội đương đại, trong mối quan hệ đối với quá trình phát triển của Việt Nam.

1.
Trước hết, nhìn từ góc cạnh xã hội, thì minh triết là hệ thống các giá trị đạo đức nguyên thủy nhất mà mỗi người sẽ tự nguyện tuân theo trong cuộc sống, mà theo cách gọi của Ngô Thời Sĩ là "đạo lý đời thường", hay theo mô tả của Hoàng Ngọc Hiến là "sống hẳn hoi", một cách diễn đạt tiếng Việt khái niệm "cuộc sống tốt" của Aristoteles (Hoàng Ngọc Hiến 2009). Cần chú ý là con người này sống trong một cộng đồng, một quần thể xã hội, một khu vực vùng/địa phương nhất định. Tức là mỗi địa phương có thể có một hệ thống minh triết riêng, qui định luật lệ riêng trong cộng đồng dân cư của mình. Có thể có những giá trị minh triết cùng đúng với tất cả hoặc đa số các cộng đồng dân cư trong cùng một quốc gia, nhưng cũng có những giá trị minh triết đúng/là điều tốt (tương đối) với cộng đồng này lại hoàn toàn sai/là điều xấu (tương đối) đối với cộng đồng khác. "Nhập gia tùy tục", "Nước có pháp quốc, nhà có gia qui"... Ca dao tục ngữ tiếng Việt là kho tàng minh triết. Cả những câu nói truyền miệng vỉa hè cũng vậy, vì chúng chuyển tải hệ giá trị sống cho thời hiện tại. Minh triết không chỉ là những gì người ta dạy chính thức ở nhà trường, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ kia, mà còn là cả những gì mà thế hệ trẻ đã nhanh nhạy đúc kết từ những va chạm mới nhất trong cuộc sống thay đổi, và tạo ra qui tắc cho một cuộc sống mới từ phạm vi nhỏ lan tỏa ra.

2.
Như vậy, nếu đã coi minh triết là hệ giá trị cho các mối quan hệ xã hội - cộng đồng thì minh triết cũng chính là mô hình tư duy hay bộ qui tắc luân lý cơ bản nhất để duy trì sự tồn tại, hoạt động và phát triển của một quần thể xã hội. Tức minh triết là nguyên tắc duy trì mối quan hệ cộng đồng, mà giới chuyên gia về phát triển thường gọi là vốn xã hội - social capital[2]. Minh triết là qui tắc cho vốn xã hội.

“Vấn đề không phải là bạn biết những gì, mà là bạn quen những ai”. Câu cách ngôn thường gặp này chính là sự đúc kết những minh triết thông thường về vốn xã hội. Minh triết này phát xuất từ kinh nghiệm - rằng khi trở thành thành viên của một nhóm ngoại lệ cần phải có những mối quan hệ bên trong, thì phần thắng trong những cuộc cạnh tranh về công việc hay hợp đồng thường thuộc về những ai có mối quan hệ quen biết ở những vị trí cao (Woolcock & Narayan, Kỷ yếu World Bank tháng Tám 2000).

Minh triết này cũng được thể hiện trong tiếng Việt qua những cách nói như: COCC (Con ông cháu cha), 5C (Con cháu các cụ cả), "cạ", "êkíp", "ô-dù", "Không thầy đố mày làm nên", "Con vua thì lại làm vua...". Vốn xã hội cũng có thể là đơn vị đo số lượng mối quan hệ cộng đồng trong một quần thể xã hội (Như Ngọc 2001, 2003), giúp xác định mức độ và xây dựng kế hoạch phát triển quần thể xã hội đó. Bản thân minh triết cũng là "vốn" của xã hội để phát triển (Shiksha 1999). Vốn minh triết là điểm chung cho cả cộng đồng, vì nó là cơ sở để mỗi cá nhân thỏa thuận với cộng đồng mỗi khi có tranh chấp về quyền lợi, tạo ra sự tin cậy, tôn trọng và cam kết cùng hợp tác vì mục tiêu chung, cũng chính là xuất phát điểm giúp duy trì phát triển bền vững. Như vậy, minh triết chính là qui luật cho vốn xã hội.

3.
Từ những phân tích trên, có thể thấy nghiên cứu phát triển không chỉ đơn giản là tìm các giá trị minh triết để giúp hiểu và điều chỉnh mối quan hệ trong cộng đồng, lên chính sách làm tăng vốn xã hội. Chính những người nghiên cứu Minh triết Việt đang là những nhà hoạch định chính sách giúp phát triển hoặc tạo ra sức cản phá quá trình phát triển - hiểu theo mối tương quan tương đối - của xã hội Việt Nam. Khi "tìm ra" một giá trị minh triết và đưa vào hệ thống thì nhà nghiên cứu đồng thời đã đánh thức một hệ giá trị đạo đức có khả năng tác động làm thay đổi các mối quan hệ xã hội, có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với quá trình chuyển đổi hiện tại, tức là có thể giúp ngăn ngừa một nguy cơ suy thoái đạo đức nào đó của xã hội hoặc góp phần giúp quá trình suy thoái đạo đức đó tiến nhanh hơn đến mức làm tan rã xã hội. Đây phần nào cũng chính là lý do tại sao minh triết được giới cầm quyền và chính trị gia quan tâm. Hơn ai hết, nhà khoa học nghiên cứu minh triết phải là người ý thức rõ ràng nhất về công việc nghiên cứu của mình, đang làm ra nhà máy điện hạt nhân hay bom nguyên tử cho xã hội. Việc nghiên cứu không chỉ đơn giản là tìm ra các giá trị khoa học mà ngay từ những phác thảo đầu tiên, dự án nghiên cứu đã góp phần tác động làm thay đổi xã hội. Đây cũng chính là nguyên tắc mà một số quĩ phát triển hiện đang sử dụng khi đầu tư vào khu vực chất xám tại một quốc gia, giúp các nước đang phát triển nghiên cứu và tự tạo ra đội ngũ chuyên gia phù hợp cho nước mình: research-based development. Do vậy, mỗi cá nhân và nhóm nghiên cứu minh triết cần phải tuân thủ nguyên tắc chuyên nghiệp, tức là không chỉ người nghiên cứu nghiệp dư phải nghiêm túc làm việc theo các tiêu chuẩn khoa học, mà ngay cả các vị giáo sư tiến sĩ từ ngành khác cũng cần phải trang bị lại hệ thống lý thuyết cơ bản phù hợp trước khi bắt tay vào nghiên cứu minh triết.

4.
Từ góc độ chuyên môn của mình, người viết bài xin giới thiệu sơ lược[3] một vài nguyên tắc lý thuyết từ góc độ tiếp cận của liên ngành phối hợp giữa xã hội học, nhân học và triết học nhận thức tạm gọi là thuộc trường phái Ba Lan. Trước hết người nghiên cứu cần xác định xem mình sẽ tìm hiểu minh triết theo một cách nhìn hệ thống hay xâu chuỗi, toàn phần hay đơn lẻ. Minh triết có thể là các cặp giá trị đối lập như trong mối quan hệ âm dương hoặc là cặp phạm trù mâu thuẫn. Minh triết có thể được cơ cấu tổ chức theo bộ ba, tứ trụ, ngũ hành, bát quái. Minh triết có thể được nhìn như một tập hợp nhiều dị bản khác nhau về không gian và thời gian của một giá trị xuyên suốt hoặc còn có thể coi là thống nhất. Minh triết có thể được biểu diễn trên đường tuyến tính, tiến hóa liên tục theo thời gian, bắt nguồn từ tận thời tiền sử sơ khai. Hoặc ngược lại, minh triết có thể là những đường giá trị đứt gãy, hay là các giá trị mới vừa được tạo dựng ra gần đây. Chúng ta có thể xét minh triết như giá trị, như thực tại khách quan hay hiện tượng tư duy chủ quan, hoặc cũng có thể khảo sát chức năng hay cấu trúc của minh triết trong quá trình phát triển của xã hội. Công việc khảo sát minh triết Việt cũng có thể dựa vào hệ thống các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng minh triết ở Việt Nam và trên thế giới[4].

5.
Minh triết cần được xét trong chiều không gian và thời gian, cùng mối quan hệ xuyên/liên ngành và xuyên/liên văn hóa. Trong phần đặt vấn đề tôi nói chỉ xét đến những minh triết đang duy trì trong xã hội đương đại, tức là không xét đến minh triết thời cổ sử, nhưng có xét đến những dạng thức minh triết được cho là có nguồn gốc từ thời cổ sử đang tiếp tục duy trì trong thời hiện tại. Khi tạo được lát cắt khéo léo trong tập hợp minh triết đương đại, chúng ta có thể nhìn thấy sự du nhập của các luồng minh triết trong lịch sử vào dân tộc Việt, ví dụ như tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác và các trào lưu tư tưởng phương Tây (được minh triết hóa), minh triết bắt nguồn từ Phật giáo, Bà-la-môn, văn hóa Nam Đảo, Ấn Độ và Trung Hoa... Tương tự vậy nếu tìm được góc cắt phù hợp chúng ta cũng nhìn thấy sự du nhập của các luồng minh triết từ các vùng địa lý khác nhau vào Việt Nam, ví dụ như minh triết Triều Tiên qua phim Hàn quốc, minh triết Mỹ qua phim Hollywood, và minh triết Trung Hoa qua phim Hongkong, phim Đài Loan và bây giờ là phim Trung Quốc. Minh triết cần được nhìn từ bên trong ra và bên ngoài vào. Chúng ta cần thử xét minh triết của mình từ mỗi vùng miền khác nhau của đất nước mỗi khi có dịp đi đến một tỉnh thành của Việt Nam, tức là nhìn từ trong nền văn hóa Việt Nam ra. Và chúng ta cần thử xét minh triết Việt từ mỗi trung tâm văn hóa lớn trên thế giới mỗi khi có dịp đi ra nước ngoài, tức là nhìn từ bên ngoài nền văn hóa Việt Nam vào (xuyên/liên văn hóa). Chúng ta nên thử đứng từ minh triết nhìn sang các ngành học khác xem có thể tận dụng được gì từ đó, và bên đó sử dụng được gì từ minh triết. Chúng ta cũng nên thử nghiệm tương tự khi có dịp học sang một ngành học mới (xuyên/liên ngành). Binh pháp Tôn Tử là minh triết Trung Hoa trong ngành quân sự nhưng hiện trên thế giới (xuyên văn hóa) đang được dạy đại trà trong ngành quản trị kinh doanh (xuyên ngành).

Và quan trọng nhất, nghiên cứu minh triết cần được gắn liền với bối cảnh một khu vực/địa phương/cộng đồng nhất định, trong quá trình phát triển của xã hội đó. Minh triết giúp xác định hệ giá trị của xã hội, định vị cơ chế và cấu trúc tổ chức của xã hội, là những tham số đầu vào vô cùng quan trọng cho bất kỳ dự án phát triển nào. Khi nhìn minh triết như một cặp giá trị đối lập hay cặp phạm trù mâu thuẫn, người nghiên cứu đã tự động xét đến không chỉ tầng lớp nắm quyền trong cộng đồng mà cả những người không có quyền lực, thiếu phương tiện kinh tế, kết nối bằng những giá trị minh triết không được coi là chính thống hoặc chính đáng. Họ thường sẽ là những người chịu thiệt hại nặng nhất trong quá trình chuyển đổi/ phát triển do tầng lớp nắm quyền hoạch định, mà nếu hệ giá trị của họ do không được xét đến mà bị chà đạp, bỏ quên thì có thể dẫn đến xung đột bạo lực làm đảo lộn xã hội hoặc phá hỏng kế hoạch phát triển đã định ra. Khi nhìn minh triết như một tập hợp các dị bản chúng ta đã tự động nhận thức ra hệ giá trị địa phương và các mối quan hệ cục bộ, có quyền lợi và hướng phát triển tự nhiên ngược với tầm nhìn và con đường kế hoạch của trung ương. Nghiên cứu về minh triết giúp chuyên gia di chuyển giữa các trung tâm quyền lực, các cực quyền lợi khác nhau, và các tầng khác nhau của xã hội, tạo cơ hội can thiệp ngay khi cần thiết để tránh xung đột leo thang và mở rộng, bảo đảm quá trình phát triển bền vững cho cộng đồng, xã hội và quốc gia. Kết nối minh triết với hệ giá trị vốn xã hội cho phép tất cả những ai có quan tâm đến minh triết có cơ hội đóng góp vào quá trình tích lũy và làm giàu về lượng cho vốn xã hội của đất nước, chờ dịp chuyển mình biến thành chất mới, thay sắc cho quốc gia.


Tham khảo:

Francis Fukuyama 1999, Social Capital and Civil Society, IMF Conference on Second Generation Reforms, bản điện tử ở địa chỉ http://www.imf.org/external/pubs/ft/seminar/1999/reforms/fukuyama.htm

Vimukt Shiksha 1999, Understanding Wisdom, Liberating Education Feb 1999, Issue 2

Ong T. Nhu-Ngoc et al 2001, Social Relations and Social Capital in Vietnam - The 2001 World Values Survey http://www.worldvaluessurvey.org/Upload/104_social_relations_vietnam.pdf

Ong T. Nhu-Ngoc & Russell J. Dalton 2003, Civil Society and Social Capital in Vietnam, in Modernization and Social Change in Vietnam, Munich http://www.worldvaluessurvey.org/Upload/104_social_capital_vitenam.pdf

Michael Woolcock & Deepa Narayan 2000, Social Capital: Implications for Development Theory, Research and Policy, The World Bank Research Observer vol 15 nr 2 (Aug 2000)

Katsuya Okada 2005, Toward Realization of Enlightened National Interest - Living Harmoniosly with Asia and the World, The Democratic Party of Japan, giới thiệu tóm tắt tiếng Việt ở http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/09/090909_dpj_vietnam.shtml

Phạm Tường & Việt Hoàng 2006, Nguồn cội văn hóa Thần minh Đại Việt, NXB Văn Nghệ

Francois Jullien 2008, Bàn về Minh triết, Buổi nói chuyện tại TT Minh triết Việt 8.9.2009, Viet-studies.info 22.10.2008 http://viet-studies.info/Jullien_BanVeMinhTriet.htm

Hoàng Ngọc Hiến 2009, Luận bàn về những vấn đề minh triết (Góp phần định nghĩa minh triết), Viet-studies.info 9.9.2009 http://viet-studies.info/HoangNgocHien_MinhTriet.htm, bản tóm tắt ở địa chỉ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/09/090906_hoangngochien.shtml






[1] Tác giả đang là nghiên cứu sinh ngành Triết và Xã hội học tại Viện hàn lâm khoa học Ba Lan, email: thanhai@wp.pl
[2] Vốn xã hội là khái niệm mô tả giá trị mối quan hệ cộng đồng, hiện đang là trung tâm của nhiều chủ thuyết phát triển và xã hội. Một trong số các định nghĩa dễ hiểu về social capital có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên mạng, như hệ thống Infed: http://www.infed.org/biblio/social_capital.htm, hay Wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/Social_capital. Một trong số các định nghĩa về Social Capital được các định chế phát triển trên thế giới sử dụng đặt cơ sở trên hệ thống của Francis Fukuyama trình bày trước IMF ngày 1.10.1999 http://www.imf.org/external/pubs/ft/seminar/1999/reforms/fukuyama.htm. Từ góc độ xã hội học, vốn xã hội cũng là hệ đo lường cơ bản cho các chủ thuyết cộng đồng (communitarianism) như Robert Putnam từng chủ xướng: http://www.bowlingalone.com
[3] Quí vị nào quan tâm tìm hiểu xin mời tìm đọc các sách giáo khoa tương ứng, hoặc đọc thêm một số bài lược dịch từ trang lưu trữ của người viết bài này ở địa chỉ bansacdantocvietnam.blogspot.com
[4] Một trong số các nơi ứng dụng thành công minh triết vào quản lý và phát triển cộng đồng người Việt ở nước ngoài là quĩ An Việt ở London anvietuk.org